Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020

Lượt xem: 151

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tình hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả khá toàn diện. Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, ngành đã rà soát chuyển đổi được 668/1.500 ha sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây khác có giá trị kinh tế cao như: rau quả, thực phẩm, lạc, đậu tương… đạt 44,5% so với kế hoạch đề án; chuyển đổi 202 ha diện tích vải thiều cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao như: Cam Đường Canh, bưởi Diễn… tập trung chủ yếu ở Lục Ngạn.

Về lĩnh vực chăn nuôi, năm 2015, đàn gia cầm đạt 16,8/18 triệu con, bằng 93,3% so với đề án, trong đó, đàn gà đạt 14,6/16 triệu con, bằng 91,2% so với đề án; đàn lợn đạt khoảng 1,21/1,3 triệu con, bằng 93% so với đề án. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 218/275 nghìn tấn, bằng 79,2% so với đề án. Trong lĩnh vực thủy sản, diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản đến hết năm 2015 có 12.200/12.500ha, bằng 97,6% so với đề án. Trong đó, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.25/5.800 ha, bằng 90,5% so với đề án…

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn và phương hướng tiếp tục thực hiện đề án. Đồng thời đề nghị UBND tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã, trang trại sản xuất nông nghiệp; cho phép xây dựng Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, công bố công khai, rộng rãi để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả quan trọng của ngành Nông nghiệp đã đạt được trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đồng chí yêu cầu ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng và định hướng của ngành trong những năm sắp tới; thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với chuyển đổi phương thức sản xuất, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có tiềm năng thế mạnh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Đồng thời, cần xác định rõ nhiệm vụ của tỉnh, của ngành nông nghiệp, của từng địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án và có kế hoạch, phương hướng cụ thể cho từng giai đoạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất tập trung, thuận tiện cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất công nghệ cao./.