Lục Ngạn thâm canh cây có múi: Thay đổi cơ cấu giống, tăng diện tích sản xuất sạch

Lượt xem: 105

Tập trung thâm canh

Hộ ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải trồng hơn 10ha cây ăn quả. Trong đó, có 6ha bưởi da xanh, 2 ha cam đường, còn lại là những loại cây khác. Ông Hữu tâm sự, do cam, bưởi được giá nên nhiều nhà vườn tại Lục Ngạn để lượng trái quá nhiều khiến tuổi thọ cây rút ngắn, nhanh thoái hóa.Thương lái Trung Quốc đến thu mua bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải.

Thương lái Trung Quốc đến thu mua bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải

Rút kinh nghiệm từ các hộ này nên 100% diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cam, bưởi được ông trồng theo quy trình VietGAP, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng chăm sóc cây hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ. Khoảng cách giữa các cây luôn bảo đảm kỹ thuật, do đó cây không bị vóng và ít sâu bệnh, đất không bị bạc màu nhanh. Ngoài ra, ông còn lắp đặt hệ thống ống dẫn nước tưới bán tự động đến toàn bộ diện tích cây trong vườn.

Vì thế, bưởi, cam của ông Hữu luôn cho chất lượng thơm ngon. “Năm 2018 thương lái Trung Quốc đã đến thu mua toàn bộ bưởi của gia đình tôi với giá cao hơn mức trung bình toàn huyện 2 nghìn đồng/kg, tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng”, ông Hữu khoe.

Với cùng cách làm của ông Hữu, hộ ông Trần Văn Trụ, thôn Xẻ Cũ; ông Lý Văn Bảo, thôn Mịn To, xã Trù Hựu năm nay cũng hứa hẹn “trúng lớn” vì có những vườn quả đẹp.

Tuy vậy, nhiều vườn cây có múi trong huyện do khai thác lâu năm đã thoái hóa, năng suất thấp. Ông Chu Văn Khải, thôn Sàng Nội, xã Tân Quang, ông Khải cho hay, mặc dù hơn 1ha cam, bưởi của gia đình mới trồng được 7 năm nhưng nhiều cây đã còi cọc, cho trái ít, chất lượng không cao. Hiện ông đã trồng thay thế khá nhiều cây mới, trong đó có cả giống bưởi Phúc Kiến.

Không chỉ hộ ông Khải, hiện trong xã Tân Quang có nhiều hộ do trước đây khai thác quá mức nên ngoài giống cây bị thoái hóa thì đất cũng cằn cỗi và đã nhiễm mầm bệnh. Ông Dương Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết, xã đã khuyến cáo người dân không trồng cây có múi đại trà, phải chọn đất thích hợp mới trồng.

Ngoài ra, xã cũng chỉ đạo các thôn hướng dẫn người dân bổ sung thêm các loại cây ăn quả khác như na Thái Lan hoặc quay trở lại trồng vải thiều sớm trên diện tích đất đã phá bỏ cây có múi.

Xây dựng các mô hình giống mới

Cách đây hơn 10 năm khi cây có múi cho những trái đầu tiên trên đất Lục Ngạn, cam đường có giá lên tới 80 nghìn đồng/kg, bưởi từ 30 đến gần 100 nghìn đồng/quả. Nhưng nay, giá những loại quả này chỉ đạt một nửa. Nguyên nhân là do diện tích trồng cây có múi của huyện ngày một nhiều, người dân lại chủ yếu dùng phân hóa học để chăm sóc khiến cây và đất dần bị thoái hóa, chất lượng sản phẩm suy giảm. Cùng đó, thị trường tiêu thụ các loại quả này phần lớn là trong nước, lượng xuất khẩu rất ít.

thâm canh cây có múi bền vững, hướng đến xuất khẩu, huyện Lục Ngạn đang tiến hành xây dựng mô hình trồng thử nghiệm 15ha tại xã Phượng Sơn và Biên Sơn bằng các giống cam mới: BH, CT36 của Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.

Hai giống cam này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cam khác như: Ít hạt; kháng được bệnh nhện đỏ, vàng lá chè; chín sớm, quả còn xanh đã rất ngọt, có thể bán rải vụ. Đặc biệt, cam BH quả đơn, to (chỉ 4 quả/kg), năng suất cao.

Về chất lượng, cam BH và CT36 được đánh giá cao nhờ màu sắc quả khi chín vàng rực trông rất bắt mắt; có hương thơm, vị ngọt thanh… Trong khi đó, cam đường, cam lòng vàng (hiện được trồng phổ biến tại Lục Ngạn) lại có hình thức không đồng đều, dễ nhiễm bệnh, nhiều hạt… nên không phù hợp cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ và phân vi sinh để sản xuất an toàn, bền vững. Toàn huyện đã có 1,8 nghìn ha cây có múi được sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, tăng hơn năm ngoái 500ha.

Đồng thời, hướng người dân thay đổi kỹ thuật canh tác, trồng mật độ cây phù hợp, bảo đảm dinh dưỡng, ánh sáng… để cây sinh trưởng tốt hơn, chu kỳ cây kéo dài, giảm chi phí sản xuất. Huyện cũng định hướng người dân ứng dụng KH-KT, tăng năng suất lao động.

Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, huyện cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây cam và bưởi Lục Ngạn. Có được điều này sẽ giúp cho việc bảo hộ hàng hóa và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Nguồn: baobacgiang.com.vn