“Sóng” Covid-19 trở lại, nỗi lo sợ bao trùm châu Âu
30/07/2020 03:57
Nhấn để phóng to ảnh
Các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới khắp châu Âu, châu Á đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo rõ ràng rằng không nơi nào tránh được nguy cơ dịch tái bùng phát.
Tại Đức, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh quốc gia đánh giá thực trạng gia tăng số ca mắc mới Covid-19 gần đây ở nước này “rất đáng lo ngại”. Đức từng được coi là “hình mẫu” chống dịch, nhưng ngay khi nới lỏng phong tỏa, số người mắc Covid-19 tại nước này bắt đầu tăng nhanh từ hơn 300 ca lên hơn 800 ca/ngày.
“Diễn biến mới khiến tôi rất lo ngại. Số ca mắc gia tăng một phần do chúng tôi có thể đã lơ là”, Lothar Wieler, người đứng đầu cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch của Đức, cho biết.
Tại Tây Ban Nha, dữ liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy, số người mắc Covid-19 trong ngày gần đây đều xấp xỉ 1.000 ca, so với dưới 400 ca/ngày trong tháng 6. Hai điểm nóng bùng phát hiện nay ở Tây Ban Nha là Aragon và Catalonia. Nhằm đối phó với đợt bùng phát mới, giới chức địa phương ở Tây Ban Nha đã áp dụng trở lại hàng loạt biện pháp như cấm tụ tập đông người, siết quản lý các nhà hàng, quán bar. Một quan chức Tây Ban Nha cho hay, mục tiêu đề ra là tránh lặp lại kịch bản phong tỏa toàn quốc như hồi đầu năm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 28/7 cảnh báo, châu Âu dường như đang đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. “Với tình hình hiện nay ở châu Âu, tôi e rằng chúng ta đang chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ hai ở một số nơi”, ông Johnson nói khi trả lời báo chí về quyết định áp quy định cách ly đối với người trở về từ Tây Ban Nha.
Tại Pháp, giới chức nước này lo ngại nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ hai và cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác. Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết cuối tuần qua rằng, ông muốn tránh tác động tiêu cực của phương án phong tỏa toàn quốc, thay vào đó sẽ chỉ tính đến biện pháp phong tỏa cục bộ như ở Anh và Đức. Ngoài ra, hiện Pháp cũng như Đức đã công bố kế hoạch xét nghiệm Covid-19 bắt buộc đối với những người đến từ các nước có “nguy cơ cao” và yêu cầu cách ly 14 ngày.
Tại Italia, ngay cả khi số ca mắc Covid-19 tăng không đáng kể, Thủ tướng Giuseppe Conte vẫn quyết định gia hạn lệnh khẩn cấp quốc gia cho đến tháng 10. Điều này cho phép ông tiếp tục có quyền ban bố lệnh phong tỏa hay các biện pháp ứng phó dịch khác mà không cần quốc hội phê chuẩn. Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza nhận định: “Tình hình rất đáng lo ngại, thế giới đang ở giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19”.
Giới chức Bỉ cũng siết chặt các biện pháp hạn chế trên toàn quốc cho đến cuối tháng 8 sau khi số ca mắc mới có xu hướng tăng. Các biện pháp đó có thể kể đến như giới hạn tụ tập không quá 5 người, mỗi người chỉ được mua sắm không quá 30 phút trong siêu thị. Ngoài ra, đeo khẩu trang cũng là yêu cầu bắt buộc với người dân Bỉ khi ra ngoài. “Các biện pháp này không phải là khuyến cáo mà là yêu cầu bắt buộc”, Thủ tướng Sophie Wilmes nói.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 16,5 triệu người mắc, hơn 650.000 người tử vong. Mỹ hiện là tâm dịch lớn nhất với khoảng 4,5 triệu ca, hơn 150.000 người tử vong. Trong khi các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Mỹ và Brazil vẫn đang chật vật đối phó làn sóng Covid-19 thứ nhất, châu Á dường như đang chứng kiến làn sóng thứ hai.
Nguồn: dantri.com.vn