Công thư 1958 không công nhận chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc

Lượt xem: 175

MG-1434-9830-1400731538-8449-1400833895.

Tàu của cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Phía xa là giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay tổ chức họp công bố các diễn biến thực địa ở khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam; các cơ sở pháp lý và bằng chứng chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Đây là lần thứ ba Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên bờ biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng. Sự kiện thu hút sự quan tâm của hơn 200 phóng viên, nhà báo của các hãng thông tấn trong và ngoài nước. Phòng họp chật kín phóng viên, nhiều người phải đứng.

Các quan chức Việt Nam chủ trì cuộc họp báo hôm nay cho thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Khi được đề nghị bình luận về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu rằng Việt Nam “không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” và về 16 chữ vàng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, nói: “Vấn đề chủ quyền lãnh thổ là hết sức thiêng liêng và không gì đánh đổi được. Vàng rất quý nhưng độc lập tự do và chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng”.

Ông Hải cho biết bất chấp sự giao thiệp nghiêm túc của Việt Nam với phía Trung Quốc từ nhiều cấp, nhiều hình thức, mọi thiện chí của Việt Nam không được đáp ứng.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không gây ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải, và sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đôi bên sẽ trao đổi để kiềm chế và kiểm soát ổn định tình hình trên biển.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành vi xâm phạm, thậm chí có nhiều tuyên bố sai lệch, ông Hải cho biết.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới bác bỏ luận điệu sai trái của Trung Quốc và nêu rõ quan điểm cũng như các bằng chứng của Việt Nam liên quan đến chủ quyền biển đảo. Ông Hải trình chiếu video cho thấy các tư liệu pháp lý lịch sử của Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông nói và nêu từng vấn đề.

Bản đồ mang tên Partie de la Cochinchie vẽ chính xác vị trí của PARACELS (Hoàng Sa) trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Bên cạnh là một bản giới thiệu tóm tắt về Đề chế An Nam. Ảnh: Trung Nguyễn.

Bản đồ mang tên Partie de la Cochinchie về nước An Nam với quần đảo Hoàng Sa.

“Từ rất nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền với hai quần đảo này từ khi còn là đất vô chủ. Các Nhà nước phong kiến Việt Nam thực thi chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục phù hợp với luật pháp quốc tế và không bị quốc gia nào phản đối.

“Trong thời kỳ Pháp thuộc từ giữa thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20 Pháp đã nhân danh Nhà nước Việt Nam để tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối các yêu sách của các nước liên quan đối với hai quần đảo này.

“Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo đã được khẳng định và thừa nhận tại hội nghị San Francisco tháng 9/1951. Đây là hội nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Thế chiến thứ hai.

“Tại hội nghị này, phái đoàn Liên Xô có đề nghị trao hai quần đảo cho Trung Quốc nhưng 46/51 nước đã bỏ phiếu chống, phản đối. Cũng tại hội nghị này, trưởng phái đoàn của Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và không gặp phải sự phản đối của bất cứ ai.

“Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng hòa cũng đã ra nhiều tuyên bố và có những hành vi trên thực tế để thực thi chủ quyền với hai quần đảo này. Trung Quốc là một nước tham gia hội nghị quốc tế về Đông Dương Geneva năm 1954, biết rất rõ điều này và phải có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện của hội nghị này.

“Năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.

“Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là một hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc với Hoàng Sa”, ông Hải kết luận. “Thực tế là cho đến nay không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa”.

Về công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, ông Hải phân tích văn bản này hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ, chủ quyền và không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung công thư chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố mà thôi.

Việc công thư không đề cập đến hai quần đảo cũng phù hợp với thực tế lúc đó: hai quần đảo nằm dưới vĩ tuyến 17 và thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa, được Pháp giao lại năm 1956 phù hợp với Hiệp định Geneva năm 1954 mà Trung Quốc có tham gia.

Ngoài ra, công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể thời điểm được gửi cho Trung Quốc, khi đó Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo Hiệp định Geneva, Trung Quốc là bên tham gia.

“Bạn không thể cho người khác cái bạn chưa có. Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị gì với việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa hay Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”, ông Hải khẳng định.

Về khả năng Việt Nam có thể sẽ sử dụng hành động pháp lý trước tình hình hiện tại, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao, cho biết, với tư cách thành viên của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến mình.

“Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình, bao gồm khả năng sử dụng cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS khẳng định. Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp phù hợp luật quốc tế, và sử dụng các biện pháp này tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang”, bà Hà nói.

“Lãnh đạo Việt Nam khẳng định không loại trừ bất cứ biện pháp nào, chúng tôi với tư cách cơ quan tư vấn pháp lý sẽ chuẩn bị mọi biện pháp có thể sử dụng được”, bà nói thêm.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, các thông tin cho rằng Trung Quốc điều chuyển quân đến khu vực biên giới là chưa chính xác, ông Trần Duy Hải cho biết.

“Trong cuộc gặp của hai Thứ trưởng Ngoại giao, hai bên nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng. Tôi xin khẳng định như vậy”, ông Hải nói, và cho biết thêm rằng hiện các hoạt động giao thương trên biên giới Việt – Trung diễn ra bình thường.

Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong các cuộc gây rối ở Hà Tĩnh, có hai người Trung Quốc chết. Ở Bình Dương, các đối tượng xấu gây xô xát, gây ra cái chết cho một người Trung Quốc.

Về việc công nhân Trung Quốc về nước sau các sự cố biểu tình, ông Lê Hải Bình khẳng định những vụ gây rối tại một số địa phương là hết sức đáng tiếc. Dưới sự chỉ đạo của của Thủ tướng chính phủ, tình hình đã trở về bình thường, ổn định

“Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoạt động. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, đồng thời đảm bảo không để tái diễn sự cố đáng tiếc như vừa qua”, ông Bình cho biết.

“Tuyệt đại đa số doanh nghiệp bị ảnh hưởng đều đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam. Theo chúng tôi được biết, trừ Trung Quốc, không có nước nào rút công dân về nước”, ông Bình nói.

anh-Le-hai-binh-cut-8325-14008-4872-9271

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định,

sau một số vụ gây rối, tình hình đã trở lại hoàn toàn bình thường.

Diễn biến thực địa tuần qua

Ông Ngô Ngọc Thu, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam, bác bỏ thông tin mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra rằng phía Việt Nam khiêu khích và đâm va tàu của Trung Quốc. Ông Thu khẳng định thông tin đó là hết sức sai lệch, mang tính vu cáo.

“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ thông tin này. Thực tế hoạt động trên biển, trong thời kỳ cao điểm ngày 20/5, Trung Quốc sử dụng tới 137 lượt chiếc tàu thuyền để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 4 tàu chiến và một số máy bay.

“Tàu Trung Quốc dùng súng phun nước công suất lớn, dùng máy tạo sóng âm tần gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác ở khu vực xung quanh tàu Trung Quốc khoảng 100 m. Phía Trung Quốc dùng đèn pha công suất lớn và các phương tiện âm thanh khác tác động đến tàu Việt Nam, tiếp tục đâm va ngăn cản tàu Việt Nam trên biển.

“Phía Việt Nam hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu để đáp trả Trung Quốc mà chỉ dùng loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành hoạt động. Có 20 tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, có tàu bị đâm va đến 3-4 lần.

“Việt Nam khẳng định hoàn toàn không tấn công khiêu khích tàu Trung Quốc”, ông Thu kết luận.

DSC-1699-3662-1400841981.jpg

Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh – tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.

Bác bỏ quan điểm của Trung Quốc về khai thác dầu khí

Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết từ năm 1996, sau khi quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS), hoạt động dầu khí chỉ thực hiện trong vòng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phía Việt Nam đã ký 99 hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài. 30 mỏ đang được khai thác trong vùng thềm lục địa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được quốc tế công nhận.

Ông Hậu bác bỏ tài liệu của phía Trung Quốc công bố hôm 16/5 cho rằng “Việt Nam đã phân 57 lô dầu khí và có 37 giàn khoan tại vùng biển có tranh chấp”.

“Trung Quốc chỉ nêu ra mà không có cơ sở pháp lý nào chứng minh. Chúng tôi bác bỏ quan điểm của Trung Quốc”.

Ông Hậu phân tích rằng quan điểm trên của phía Trung Quốc thực chất là nhằm biến những khu vực không tranh chấp trên thềm lục địa Việt Nam thành những khu vực tranh chấp, với ý đồ hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò đang bị cả cộng đồng quốc tế lên án.

Đánh giá trữ lượng dầu mỏ tại khu vực này, ông Hậu cho biết có các đánh giá của Trung Quốc, Mỹ và các nước trong khu vực về trữ lượng hydro carbon về toàn bộ khu vực Biển Đông, Việt Nam cũng có nhiều nghiên cứu khảo sát, dự báo là từ 4 đến 6 tỷ tấn trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Tại những khu vực đang khoan, chúng tôi đánh giá triển vọng ở đây là không lớn”, ông Hậu nói.

Anh-ong-gia-cut-8994-1400839183.jpg

Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định các lô dầu khí mà Việt Nam lập ra và

khai thác đều hợp pháp và được quốc tế công nhận.

Đấu tranh ngoại giao

Kể từ khi Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chính phủ Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu và máy bay khỏi khu vực, đồng thời tố cáo hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại các Hội nghị của khu vực ASEAN và các Diễn đàn quốc tế.

Trên kênh ngoại giao đa phương, Việt Nam đưa vụ việc này ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 diễn ra ngày 11/5 tại Myanmar, Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á tại Philippines, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng yêu chuộng hòa bình thế giới.

Trên các diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Việt Nam khẳng định kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, nhằm đề nghị Bắc Kinh phản hồi tích cực trước yêu cầu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ông cũng có các cuộc nói chuyện điện thoại với bộ trưởng ngoại giao các nước Mỹ, Nga, Indonesia và Singapore để thông báo những nỗ lực của Việt Nam nhằm giảm tình hình căng thẳng tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 20/5 gặp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn bên lề hội nghị quốc phòng các ASEAN (ADMM) tại Myanmar, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi khu vực.

Tại thực địa, các tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn kiên trì đấu tranh hòa bình, triển khai khoảng 20 tàu, tiến sâu và áp sát giàn khoan hơn để phát loa tuyên truyền, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

vnexpress.net