Chính phủ tạo mọi điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển
29/08/2016 15:36
Buổi làm việc còn có sự tham dự của nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương.
Kinh tế hợp tác không triệt tiêu kinh tế hộ gia đình
Theo báo cáo của Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, hiện cả nước có hơn 150.000 tổ hợp tác với trên 2 triệu thành viên; 20.062 hợp tác xã, chiếm khoảng 13 triệu hộ với hơn 30 triệu lao động; 43 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 29 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Từ khi triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, đã có 3.043 hợp tác xã thành lập mới. Các hợp tác xã thành lập mới nhìn chung đúng hướng, đạt yêu cầu, quy mô ngày càng lớn hơn và đặc biệt đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và thành viên, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện hoạt động kinh doanh, thực hiện góp vốn theo quy định, có phương án hoạt động sản xuất kinh doanh rõ hơn.
Tính đến đầu tháng 7/2016, đã có 9.189 hợp tác xã tiến hành chuyển tiếp, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã, chiếm 64% tổng số hợp tác xã cần chuyển tiếp, đăng ký lại. Một số tỉnh cơ bản hoàn thành công tác tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã trước 1/7 là Bắc Kạn, Bình Định, Gia Lai, Hòa Bình, Trà Vinh. Các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Cà Mau và TP. Hà Nội công tác tổ chức lại hợp tác xã còn chậm, chỉ đạt từ 17% đến 41,7% tổng số hợp tác xã phải chuyển đổi.
Tuy nhiên, báo cáo của ông Võ Kim Cự cũng cho thấy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa tập trung, còn phân tán, manh mún, tách rời từ Trung ương đến địa phương. Công tác tham mưu được giao cho các sở, ngành khác nhau, vì vậy thiếu sự thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Có 14 tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 18 tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; 13 tỉnh giao cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh và 18 tỉnh chưa giao cụ thể cho cơ quan nào quản lý kinh tế hợp tác.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn bó hẹp, cơ chế chính sách không đồng bộ, thiếu hấp dẫn, không đi vào cuộc sống. Nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp không ra đời được, rất nhiều chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 không được cụ thể hóa nên khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại…
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một trong những nguyên nhân khiến hợp tác xã phát triển chưa tương thích với tiềm năng một phần là do nhận thức. “Tư duy hợp tác xã kiểu cũ vẫn lởn vởn đâu đó, người ta không mặn mà với mô hình này. Mô hình hợp tác xã kiểu mới hoàn toàn khác hợp tác xã kiểu cũ, không những không thủ tiêu kinh tế hộ mà còn là một tổ chức làm gia tăng giá trị của kinh tế hộ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân chưa đầy đủ, bản thân hợp tác xã không phải là doanh nghiệp, trong hợp tác xã có thể có doanh nghiệp, cần nghiên cứu nhu cầu, điều kiện nào phát triển doanh nghiệp trong hợp tác xã, để đóng góp vào mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
“Chấm dứt tình trạng không ai quản lý kinh tế hợp tác”
Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của hợp tác xã trong thời gian qua, tuy chỉ đóng góp khoảng 5,6% GDP nhưng đã góp phần giải quyết lao động, sinh kế, xoá đói giảm nghèo cho một bộ phận người dân.
Cùng với việc thúc đẩy triển khai Luật Hợp tác xã 2012, Nghị quyết Đại hội Đảng các tỉnh, thành phố và các cấp đều đề cập đến phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Đây là điều chưa từng có và rất đáng mừng đối với sự phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác trong thời gian tới”.
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm kiện toàn năng lực, chức năng quản lý nhà nước với lĩnh vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác xã và Liên minh Hợp tác xã. Tới đây, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định khung về các bộ, cơ quan ngang bộ và quy định chi tiết, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ có liên quan, UBND các cấp. Bộ Nội vụ phải quán triệt được tinh thần này trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ. Các nghị định này Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt, chậm nhất quý IV/2016 hoàn thành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Trước thực trạng 18 tỉnh “không biết giao cho ai quản lý kinh tế hợp tác”, Phó Thủ tướng chỉ đạo phải sớm chấm dứt tình trạng thiếu thống nhất và thiếu rõ ràng; giao hai Bộ Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư sớm giúp Chính phủ củng cố, tăng cường bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và phòng kinh tế các quận, huyện, nhiệm kỳ này phải chấm dứt tình trạng chức năng, nhiệm vụ có nhưng triển khai thiếu đầy đủ, không quyết liệt. “Quan trọng không phải là bao nhiêu người mà quan trọng là đã có bộ máy và củng cố lại trên cơ sở biên chế hiện có. Cho nên nói là cho tôi một tổ chức, tôi có thể xoay chuyển mọi thứ”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu khả năng ủy thác cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ, nhất là vấn đề cung cấp dịch vụ công. Ủy thác dịch vụ gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và Liên minh Hợp tác xã phải đề xuất, có đề án, nghiên cứu cặn kẽ căn nguyên.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trình Thủ tướng phê duyệt công nhận điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ sự chi phối của Luật Hợp tác xã và Luật Hội trong chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.
chinhphu.vn