Điều kiện về quê ăn Tết Nguyên đán 2022, người dân từng tỉnh, thành cần biết

Lượt xem: 144

Dù không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, nhưng mỗi địa phương lại có một quy định chống dịch khác nhau. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế gây khó dễ cho người dân trong quyết định về quê. Trong khi nhiều tỉnh lại nới lỏng, yêu cầu chỉ cần khai báo y tế và đảm bảo 5K, khuyến khích thông thương hàng hoá…

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Như vậy, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly với người về quê ăn Tết. Tuy nhiên, mỗi tỉnh có cách làm “lỏng”, “chặt” khác nhau.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra công văn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với người từ địa phương khác đến/về Vĩnh Phúc người tiếp xúc gần (F1).

Đối với người đến/về từ địa bàn có dịch ( vùng đỏ – cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa), người tiếp xúc gần (F1) nếu tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh): Thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà/nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo.

Các trường hợp trên phải tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định. Ngoài ra, những người này phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.

Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa tiêm, chưa được công bố khỏi bệnh Covid-19: Thực hiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày. Trường hợp không đủ điều kiện cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú thì thực hiện cách ly y tế tập trung. Đồng thời, những người này phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, thứ 3 và ngày thứ 14.

Tỉnh này yêu cầu người đến/về địa phương phải thực hiện nghiêm 5K, các quy định phòng, chống dịch hiện hành của Bộ Y tế và tỉnh.

Bắc Giang vẫn yêu cầu người đến từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.

Người dân hạn chế tụ tập, tổ chức ăn uống đông người trong dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội đầu xuân. Ngoài ra, chính quyền kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi địa bàn dịp lễ, Tết để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh.

Địa phương khuyến khích doanh nghiệp rút ngắn thời gian nghỉ Tết Âm lịch, giữ chân công nhân ở lại, không về quê.

Hà Nam chỉ cách ly y tế với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng đang cách ly y tế. Các khu vực khác, người dân chỉ cần khai báo y tế để từ đó cơ quan chức năng sẽ phân loại quản lý.

Trong khi đó, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) có thư ngỏ gửi các tầng lớp nhân dân trong địa bàn và người đang làm việc tại tỉnh ngoài, nước ngoài… về việc tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cũng ở Thanh Hoá, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.

Tương tự Thanh Hoá, Quảng Nam vận động người thân ở nơi có dịch không về quê ăn Tết. UBND Tỉnh ra văn bản đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người thân đang làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết.

Cùng với đó, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về, phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định.

Ngày 8/1, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh TT-Huế ban hành văn bản điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới.

Theo đó, người đến, trở về từ các địa phương có mức độ dịch cấp độ 3 và cấp độ 4: Thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 14 ngày kể từ khi về đến địa phương. Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc xin, thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày nhưng xét nghiệm 2 lần, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ đủ 14 ngày.

Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc người được công bố khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, thực hiện tự theo dõi sức khỏe tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương và xét nghiệm 2 lần.

Người đến, trở về từ cấp độ 2 nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày.

Người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 hoặc người được công bố khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương.

Người đến, trở về từ các địa phương ngoại tỉnh cấp độ 1 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc nơi lưu trú tối thiểu 7 ngày kể từ khi về đến địa phương. Xét nghiệm, khuyến cáo công dân tự thực hiện test nhanh kháng nguyên sau 48-72 giờ kể từ ngày về đến địa phương.

Người từ vùng đỏ tới Quảng Trị phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo. Với người về từ vùng cam cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo; người về từ “vùng đỏ” cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày và cách ly tại nhà 14 ngày tiếp theo sau cách ly tập trung.

Người về từ vùng vàng đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh cách ly tại nhà tối thiểu 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Đối với người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều về từ vùng vàng thì cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Trong khi đó, TP Đà Nẵng, Lâm Đồng và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… lại nới lỏng rất “rộng rãi”, người dân về quê ăn Tết dù ở vùng nào thì chỉ cần khai báo y tế và áp dụng các biện pháp như quy định chung của Bộ Y tế.

Lên tiếng việc mỗi tỉnh đưa ra quy định khác nhau với người về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm dần, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chúng ta đã chấp nhận không Zero Covid-19, đã tiêm phủ vắc xin diện rộng thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc có thể tăng cao. Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động. Vì thế, các tỉnh không nên mỗi nơi đưa ra một quy định, “làm khó” người dân.

Nguồn: VNN