Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tập trung tái đàn lợn an toàn, xuất khẩu vải thiều chính ngạch

Lượt xem: 114
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bắc Giang là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa phía Bắc với các sản phẩm nổi tiếng như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn. Do đó cũng chịu ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 đối với việc sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Bắc Giang có sản lượng vải thiều chiếm hơn 50% tổng lượng vải của cả nước. Phía Trung Quốc lại đang tập trung các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, nguy cơ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sang thị trường này. Còn ba tuần nữa, vải thiều bắt đầu được thu hoạch. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức buổi làm việc này, trong đó quan tâm đến công tác tái đàn và chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay.

Để nắm bắt tình hình tại tỉnh, đoàn đã khảo sát tại vùng sản xuất vải xuất khẩu sang Nhật Bản tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) với diện tích 5 ha, 8 hộ tham gia. Hiện vải sinh trưởng, phát triển tốt, sai quả, không bị sâu bệnh.

Anh Ngô Văn Cường, người dân trong thôn cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha trồng vải thiều để xuất khẩu. Với tỷ lệ đậu quả như hiện nay, dự kiến thu được 30 tấn quả. Vải dự kiến chín vào khoảng 20/5. Tham gia mô hình, gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác để sản phẩm đạt tiêu chuẩn”.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh thăm mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình GlobalGAP tại xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh thăm mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình GlobalGAP tại xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Cũng tại xã Phúc Hòa, đoàn đến thăm trang trại nuôi lợn quy mô 650 lợn nái, 2.500 lợn thịt của hộ anh Thân Văn Hùng. Trang trại vừa xuất bán hơn 1.500 con lợn thịt, thu về hàng tỷ đồng.

Với số lợn nái, lợn giống như hiện nay, trang trại bảo đảm cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu tái đàn. Trang trại cũng cam kết bán giá lợn giống theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Thông tin thêm về tình hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, đối với việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, đến nay Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện.

Có 3 đơn vị gồm các Công ty: Ameii, Chánh Thu, Toàn Cầu tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, dự kiến lô hàng xuất khẩu để chào hàng sẽ thực hiện cuối tháng 5 tới.

Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo duy trì 149 mã số vùng trồng vải tại 4 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn) với diện tích hơn 15,8 nghìn ha, sản lượng ước đạt 94,4 nghìn tấn (chiếm gần 60% tổng lượng sản lượng vải).

Có 288 cơ sở được Trung Quốc cấp mã đóng gói. Hiện tỉnh đã xây dựng một số kịch bản xuất khẩu vải thiều trong các tình huống.

Về chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 900 nghìn con lợn. Như vậy, tốc độ tái đàn lợn khá nhanh, phấn đấu hết quý 3 sẽ đạt hơn 1,1 triệu con lợn. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo tái đàn an toàn, khuyến khích chăn nuôi tập trung quy mô lớn, góp phần giảm giá bán thịt lợn trong thời gian tới như kỳ vọng.

Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kết nối để hệ thống của Siêu thị Aeon- tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản tham gia tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải trao đổi một số thông tin tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải trao đổi một số thông tin tại hội nghị.

Trao đổi với đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải nhấn mạnh, gần hai năm qua, đến nay chăn nuôi của Bắc Giang dần phục hồi. Với thực tế đàn lợn nái giảm, Bắc Giang phải chấp nhận một thời gian nữa mới đạt tổng đàn hơn 1 triệu con như kế hoạch đề ra. Vì vậy, phải có cơ chế, chính sách, biện pháp bảo vệ và phát triển gia tăng cơ sở chăn nuôi lợn nái.

Đồng chí thông tin, qua đợt dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19, Bắc Giang đang tính toán điều chỉnh chính sách trong quản lý, hỗ trợ cho phù hợp với phát triển chăn nuôi tại địa bàn.

Về vải thiều, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên phải nhanh chóng tổ chức lưu thông hàng hóa. Đồng chí đề nghị, ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các đơn vị của bộ, ngành T.Ư kết nối, xúc tiến làm việc với đối tác ở các thị trường có tiềm năng xuất khẩu vải thiều; tổ chức lực lượng chuyên nghiệp tham gia tiêu thụ vải thiều, nhất là quan tâm đến các thương nhân đã có kinh nghiệm.

Áp dụng công nghệ thông tin để quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Đồng chí mong muốn Bộ Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện, giúp đỡ trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp lâu dài của tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Qua kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như sự vào cuộc chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân.

Đồng chí lưu ý, Bắc Giang cần quan tâm phòng, chống dịch bệnh hại lúa, theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chú ý bệnh đạo ôn cổ bông. Đối với diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5 cần đặc biệt quan tâm phòng trừ sâu bệnh cuối vụ như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ.

Với đàn lợn cần đạt mục tiêu tái đàn nhanh nhất, bảo đảm an toàn dịch bệnh, sớm bình ổn giá thịt lợn.

Đồng chí yêu cầu phải tập trung chăm sóc vải thiều để cho quả chất lượng cao; đề phòng biến đổi của thời tiết bất thường. Riêng thị trường tiêu thụ, Bộ cũng đã quan tâm, quyết liệt thực hiện đối với các loại nông sản, trong đó có vải thiều Bắc Giang song vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình với các kịch bản của tỉnh Bắc Giang đề ra trong tiêu thụ vải thiều nhưng nên rà soát thật kỹ từng phương án. Chú ý khi xuất khẩu vải thiều qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, bảo đảm tất cả xuất khẩu đường chính ngạch. Tranh thủ tối đa các thị trường khác, nhất là thị trường trong nước.

Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó xác định chăn nuôi là lĩnh vực đột phá, phấn đấu đưa Bắc Giang trở thành vành đai cung cấp thực phẩm cho không chỉ trong tỉnh mà cả Thủ đô Hà Nội và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nguồn: baobacgiang.com.vn