UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Dương Văn Thái: Mùa vải nóng sẽ ngọt ngào

Lượt xem: 196

n đường cao tốc từ Hà Nội lên Bắc Giang vắng vẻ hơn rất nhiều so với ngày thường. Dọc đường đi, mạn Bắc Ninh, qua các khu công nghiệp Từ Sơn, Tiên Sơn, Quế Võ… thấy liên tiếp những sợi dây vàng, dây đỏ chăng ngang đường với dòng chữ: “Khu vực cách ly. Không phận sự cấm vào!”. Lên đến địa phận Bắc Giang, ngang qua các khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng nằm nối nhau dọc cao tốc, đang là giờ vào ca, nhưng thay vì những đoàn hàng ngàn công nhân đi xe bus, xe máy, xe đạp, đi bộ… tấp nập đi làm như mọi khi, là cảnh vắng lặng, im ắng đến đau lòng. Người ta tính rằng cứ mỗi ngày tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp nói trên, tỉnh Bắc Giang thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Chỉ sau mấy tháng nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy, mà trông ông Dương Văn Thái dường như già hẳn đi. Gương mặt sạm hẳn, quai khẩu trang hằn sâu trên gò má, đôi mắt thâm quầng, dấu vết của những cuộc họp liên ngành liên miên với Ban Chỉ huy tiền phương chống dịch không ít lần kéo dài qua nửa đêm…

Thưa ông, ngày 30/5 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ “giải cứu” nông sản, đặc biệt là vải thiều. Vì sao lại không nên dùng từ “giải cứu”, thưa ông?

– Trước tiên, chúng tôi hết sức cám ơn các cơ quan báo chí cũng như đồng bào cả nước đã có lòng với cây vải Bắc Giang. Nhưng chúng tôi tiếp cận vấn đề từ chính giá trị của quả vải mà người Bắc Giang đã kỳ công vun đắp, xây dựng suốt nhiều năm qua. Theo thống kê, tỉnh Bắc Giang có khoảng 28.000ha vải, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 180.000 tấn. Hầu hết diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với trên 80% sản lượng đáp ứng được yêu cầu theo các tiêu chuẩn này.

Có thể khẳng định, chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng cao. Quả ngọt, cùi dày, thơm, nhiều nước, không bị sâu cuống (một vấn đề của nhiều năm trước). Trình độ canh tác của nông dân ngày càng cao cường, tôi biết có nhiều người có trình độ như kỹ sư. Đặc biệt, năm nay, Nhật Bản đã chính thức công nhận chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang, đây cũng là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này được Nhật Bản công nhận chỉ dẫn địa lý. Năm nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 60 tấn vải thiều sang Nhật. Vải Lục Ngạn khi sang Nhật Bản, vào siêu thị chỉ một ngày là bán hết với giá tương đương 350.000 – 400.000 đồng/kg và được người Nhật rất ưa chuộng.

Quả vải Bắc Giang là một đặc sản đã được nhiều nước ưa chuộng, ngay cả trên thị trường nội địa không phải người tiêu dùng nào cũng được thưởng thức.Hiện, thị trường tiêu thụ vải đang tương đối ổn định dù tác động của dịch Covid-19, chúng tôi đã xuất khẩu được 10.000 tấn (chủ yếu sang thị trường Trung Quốc). Khi các anh đang ngồi đây, hiện mỗi ngày có khoảng 100 xe tải chở vải ngược lên các cửa khẩu phía Bắc. Tính đến ngày 2/6, Bắc Giang đã tiêu thụ được 27.000 tấn vải sớm, với giá dao động trong khoảng 25.000 – 35.000 đồng/kg.Trong các siêu thị ở Hà Nội, vải loại ngon vẫn được bán với giá tới 40.000đồng/kg.

Giá trị thực của quả vải đã được công nhận, chất lượng tốt, lại được thị trường đón nhận, vậy cớ gì chúng tôi phải giải cứu.

Mới đây, trong cuộc họp với 3 đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) bàn cách hình thành mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, nông sản là kết quả lao động vất vả của nông dân nên phải nâng niu, trân trọng, chứ không phải là sản phẩm được tiêu thụ bằng “tinh thần giải cứu”, bằng lòng thương hại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Đúng là như vậy, xét về góc độ tinh thần, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói, dùng từ “giải cứu” sẽ làm tổn thương người nông dân, họ đã phải vất vả một nắng hai sương, đến lúc thu hoạch không được hưởng thành quả một cách xứng đáng thì còn gì đau lòng hơn.

Chính vì vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức nănglà phải tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ vải với giá hợp lý, từ đó nâng cao thu nhập, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng quả vải cho những mùa vụ sau.

Nếu để giá giảm mà chỉ nghĩ đến giải cứu thì tôi nghĩ chả ai muốn đầu tư chăm sóc, thị trường sẽ không có vải ngon để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đó là lý do Bắc Giang mới gửi thông điệp tới cơ quan báo chí, người tiêu dùng là: Bắc Giang không cần giải cứu vải thiều, chúng tôi cần sự chung tay, giúp sức lan tỏa giá trị của trái vải, là kết tinh của đất trời Lục Ngạn.

Và thưa ông, có lẽ cũng phải tính đến hệ quả của “hậu giải cứu”?

– Hoàn toàn chính xác! Có một điều trăn trở khiến chúng tôi kiên quyết nói không với “giải cứu” là: Từ trước đến nay chưa có một báo cáo tổng kết nào cho thấy, sau giải cứu nông dân được gì, mất gì. Đã có ai đánh giá, sau mỗi cuộc giải cứu, nông dân bị tổn thương thế nào, có bỏ ruộng không, có chặt cây này trồng cây khác không? Theo tôi, có lẽ trong các cuộc “giải cứu” này, tư thương được lợi nhất, bởi đã có hiện tượng lợi dụng giải cứu, nông dân bị ép giá đến thê thảm trong khi giá đến tay người tiêu dùng lại không hề thấp.

Với riêng cây vải, bà con chăm sóc trong 10 năm mới thu được thành quả, vì vậy nếu không có những giải pháp căn cơ hơn để mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ, nâng cao chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư cho chế biến… cứ động khó là “giải cứu”, “giải cứu” thì sẽ tạo bất lợi cho nông dân, tác động tiêu cực đến thị trường,không khéo tạo lợi ích cục bộ.

Chính vì vậy, Bắc Giang có cách tiếp cận khác để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, muốn cộng đồng, người dân cả nước chung tay mở rộng thị trường tiêu thụ vải để nhiều người được thưởng thức thứ quả ngọt lành của đất Bắc Giang.

Việc Bắc Giang truyền thông điệp một cách mạnh mẽ “nói không với giải cứu” vải thiều gây ấn tượng rất mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nhiều cá nhân, tổ chức đã rất thiện chí khi “nhào zô” tìm cách tiêu thụ vải cho Bắc Giang. Ta “nói không với giải cứu” vô hình trung là ta khép cửa với thiện chí đó?

– Phải khẳng định, chúng tôi không dùng từ giải cứu không có nghĩa là không muốn mọi người mua bán vải, ngược lại, chúng tôi luôn trân trọng những tấm lòng ủng hộ tiêu thụ vải và nông sản của Bắc Giang.

Điều chúng tôi muốn hướng tới là dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của nông sản cũng phải được nâng niu, đó cũng là cách tôn trọng sản phẩm bà con nông dân làm ra, tôn trọng công sức của họ.

Chúng tôi luôn ủng hộ mọi hình thức hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, nhưng không phải theo cách bán đổ bán tháo trên vỉa hè dưới cái mác giải cứu, chúng tôi muốn đặc sản của Bắc Giang đến tay người tiêu dùng một cách trọn vẹn, tươi ngon, đàng hoàng nhất. Thật mừng là gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã thấy một số nhóm thiện nguyện đã bắt đầu không dùng cụm từ “giải cứu” khi tiêu thụ vải Bắc Giang.

Khi tiếp xúc với người Bắc Giang, từ lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, cũng như người dân bình thường, tôi có cảm giác, người Bắc Giang ai cũng yêu cây vải. Là một người con của Bắc Giang ông thấy cây vải có ý nghĩa như thế nào với người dân và quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh?

– Với diện tích lớn, chiếm đến 55% diện tích cây ăn quả của tỉnh, không chỉ được trồng ở Lục Ngạn, cây vải đã leo lên những vùng đồi của Tân Yên, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế.Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang nổi tiếng thơm ngon: quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày.

Trước kia vải là cây xóa đói giảm nghèo, giờ chúng tôi xác định đó là cây làm giàu. Trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, cây vải có giá trị rất lớn, chiếm tỷ trọng cao. Riêng năm 2020, dù tác động của dịch Covid-19, chúng tôi cũng có một vụ vải thắng lợi, doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ vải lên đến 7.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Cây vải có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người nông dân nên chúng tôi không chỉ làm thương hiệu phần ngọn mà chỉ đạo một cách căn cơ, bài bản từ khâu sản xuất. 5 năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học công nghệ nên 100% sản phẩm vải không có tình trạng sâu cuống. Phải nói đây là một chuyển biến lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ.

Chúng tôi cũng triển khai thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, đóng gói bao bì, nhãn mác, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn.

Trước kia vải chỉ đóng trong thùng xốp, cuống dài cuống ngắn, tình trạng trừ lùi cân khá nhiều nhưng giờ chúng tôi hướng tới sự chuẩn hóa, đóng hộp cắt cuống rất đẹp, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, chúng tôi coi trọng đến công tác xúc tiến thương mại. Trong 3 năm, 2017, 2018, 2019, Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở Quảng Tây, Vân Nam, thị trấn Bằng Tường để giới thiệu quả vải cho các doanh nhân Trung Quốc, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin về chất lượng quả vải Bắc Giang cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sự nỗ lực của nông dân, nỗ lực của cơ quan Nhà nước các cấp, sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông đã giúp cho quả vải bay cao, bay xa hơn, giúp cho nồi cơm của nông dân Bắc Giang đầy hơn, ngon hơn sau mỗi vụ vải. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói: “Trái vải của Bắc Giang đã bay cao trên 10.000m và bay xa 32 nước”.

Nhờ làm đồng bộ, bài bản nên trong 5 năm trở lại đây, việc tiêu thụ nông sản của Bắc Giang rất thuận lợi. Hiện, diện tích vải của Bắc Giang lớn nhất cả nước, đàn gà, đàn lợn đứng thứ 4 cả nước. Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên, mỳ Chũ, na dai Lục Nam, bánh đa Kế,… là những cái tên chúng tôi rất đỗi tự hào.

Cũng phải nói thêm rằng, hiếm có tỉnh nào quan tâm tới công tác truyền thông và làm thương hiệu cho quả vải nói riêng, nông sản nói chung tốt như Bắc Giang. Hàng năm, vào trước mỗi mùa thu hoạch vải, tỉnh Bắc Giang lại tổ chức họp báo mời đại diện của hầu khắp các cơ quan báo chí trong cả nước đến truyền thông rộng rãi về sản lượng, chất lượng, kế hoạch tiêu thụ vải. Tỉnh còn tổ chức Ngày hội vải, Festival vải, tổ chức các đoàn phóng viên báo chí, văn nghệ sĩ đi thực tế, nắm tình hình tại vùng vải. Sau khi kết thúc mùa vải, đã từ mấy năm nay, lãnh đạo tỉnh bao giờ cũng có thư riêng gửi lời cảm ơn các cơ quan truyền thông đại chúng, các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần vào chiến dịch tiêu thụ vải của tỉnh.

Thưa ông, cũng có một vấn đề rất quan trọng đối với vùng vải Bắc Giang là kéo dài thời vụ, qua đó nâng cao giá bán, nâng cao doanh thu cho người trồng vải?

– Đúng. Việc kéo dài thời vụ đối với cây vải là rất quan trọng. Quả vải có điểm yếu là thời vụ ngắn, trái chín đồng loạt, và chỉ ít ngày nếu không tiêu thụ sẽ bị hỏng. Mùa vải trước kia về cơ bản chỉ kéo dài dưới 1 tháng. Những năm gần đây, các ngành chức năng cũng như bà con nông dân Bắc Giang đã cố gắng cơ cấu lại diện tích trồng vải sớm, hiện diện tích trồng vải sớm đang tăng dần một cách hợp lý, chiếm tới 30%. Hiện nay mùa vải cơ bản đã kéo dài được 2 tháng, từ khoảng 20/5 tới 20/7. Trong tương lai, chúng tôi còn muốn kéo dài hơn nữa. Nhưng để làm được điều này còn cần có sự giúp đỡ của các nhà khoa học về phương pháp canh tác, giống vải v.v…

Năm 2019, người viết bài này vẫn nhớ một câu chuyện ở chợ nông sản đầu mối lớn nhất Melbourne (Úc), do một Việt kiều kể: Khi về Lục Ngạn ông rất ấn tượng với những vườn vải đỏ rực, vô cùng ngon ngọt, nhưng khi xuất khẩu sang Úc một thời gian thì quả vải bị thâm đen. Xin ông cho biết, thời gian qua Bắc Giang nỗ lực khắc phục những hạn chế trong bảo quản vải như thế nào để nâng cao giá trị trái vải?

– Vào vụ thu hoạch rộ vải thiều chúng tôi gặp áp lực do sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, bảo quản khó do vỏ của quả vải mỏng, nhanh khô. Hiện, vải thiều Bắc Giang cơ bản tiêu thụ tươi, chúng tôi đang muốn tìm công nghệ làm sao giữ được màu sắc, hương vị trái vải. Tôi được biết Nhật Bản có công nghệ này, Bắc Giang cũng đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về phát triển công nghệ sấy lạnh của Nhật Bản.

Chỉ có chế biến mới giải quyết được bài toán sản lượng, không bị áp lực khi thu hoạch rộ, và khi chế biến sâu giá trị của trái vải không còn ở mức 30.000 – 40.000 đồng/kg như hiện nay.

Hiện thời vụ thu hoạch của trái vải chưa dài, có ngày ra khỏi tỉnh 10.000 tấn, mình không lo đẩy mạnh chế biến thì ai lo, bà con chỉ biết trồng, mang đến điểm cân. Tới đây, chúng tôi sẽ hình thành hợp tác xã, ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, giữ được lâu.

Chỉ sang tuần sau, Bắc Giang chính thức bước vào “chiến dịch” thu hoạch vải chính vụ. Kế hoạch bán vải của tỉnh năm nay có gì mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch giã như thế này?

– Có thể nói, chưa năm nào chiến dịch tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang lại được triển khai sớm, đồng bộ và toàn diện như năm nay. Ngày 8/6 tới, một Hội nghị lớn về tiêu thụ vải sẽ được tổ chức tại Bắc Giang, online toàn quốc. Trước đó, chúng tôi đã nhờ ngành bưu điện giúp chúng tôi vận chuyển 3.000 tấn vải đi các nơi. Về xuất khẩu, các hợp đồng với Australia, Nhật Bản… đã và đang được chốt. Danh sách gần 200 doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký vào Bắc Giang mua vải đã được lập nhưng vì tình hình dịch đang căng nên tạm thời họ chưa vào được.

Năm nay, cũng là lần đầu tiên quả vải được đưa lên trang chủ của 6 sàn giao dịch điện tử lớn nhất Alibaba, Sendo, Voso, Tiki, Shoppee, Lazada, Postmart. Các hệ thống siêu thị lớn lớn như Vinmart, Co.opmart… đều đã hứa sẽ bày vải thiều ở những vị trí bắt mắt nhất. Các địa bàn nội địa mà trước kia quả vải chưa được tiêu thụ nhiều như miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL… năm nay đang được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Chúng tôi kỳ vọng năm nay tỉ lệ vải tiêu thụ trong nước so với nước ngoài sẽ được nâng lên 60-40 (năm ngoái là 50-50).

Quả vải ngon như vậy mà tại sao trước kia lại bán xứ người nhiều hơn trong nước, thưa ông?

– Cũng có lý do khách quan là từ Bắc Giang đi lên biên giới phía Bắc quãng đường có hơn 100km, giá thành vận chuyển còn rẻ hơn đi vào miền Nam, vào Tây Nguyên. Lý do thứ hai là giá bán vải xuất khẩu tốt hơn trong nước. Lý do thứ ba nữa là do truyền thông chưa mạnh, chưa có quyết tâm cao. Đi các nơi tôi mới biết nhiều tỉnh trong ĐBSCL họ còn chưa biết là xứ ta có quả vải ngon như thế. Nên từ vài năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh dịch giã căng thẳng như hiện nay, bên cạnh duy trì xuất khẩu, chúng tôi quyết tâm mở rộng tiêu thụ vải trong thị trường nội địa 100 triệu dân còn rất nhiều tiềm năng..

Mùa vải năm ngoái, nông dân Bắc Giang thu hoạch hơn 7.000 tỷ từ vải và các dịch vụ liên quan. Vậy ông có dự báo gì cho mùa vải năm nay?

– Tất cả vẫn phụ thuộc vào…dịch các anh chị ạ. Dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, đưa ra một con số cụ thể lúc này là rất khó. Chỉ dám nói một điều rằng với tất cả những giải pháp và nỗ lực kể trên, hy vọng bà con Bắc Giang năm nay sẽ có một mùa vải… ngọt ngào!

Trở lại chuyện dịch Covid-19. Đến thời điểm này, tuy dịch đang từng bước được kiểm soát nhưng số ca mắc của tỉnh Bắc Giang hàng ngày vẫn cao nhất nước. Với lãnh đạo tỉnh, để có thể kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện còn nhiều khó khăn, hẳn phải có những quyết định không dễ dàng, đúng không thưa ông?

– Cái khó lớn nhất của chúng tôi trong việc kiểm soát, ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát, lây làn là dịch xảy ra trong khu công nghiệp. Mà các bạn biết đấy, khu công nghiệp là nơi có số lượng công nhân rất lớn, một doanh nghiệp có khi có tới cả chục ngàn công nhân.

Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ lại có tốc độ lây lan rất nhanh, lại đúng thời điểm Bắc Giang và cả nước nỗ lực hết mình chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp. Có thể nói, suốt tháng 5 vừa qua Bắc Giang phải căng mình, vừa chống dịch, vừa chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, chúng tôi buộc phải tập trung cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch, thậm chí có những quyết định hết sức khó khăn mà vẫn phải làm.

Do dịch Covid-19 chủ yếu xảy ra ở khu công nghiệp nên ngày 18/5 lãnh đạo tỉnh quyết định tạm dừng 4 khu công nghiệp. Phải nói đó là một quyết định không dễ dàng, bởi dừng hoạt động có nghĩa sẽ thiệt hại lớn, nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho người dân. An toàn cho người dân phải được coi là ưu tiên số 1, phải chặn đứng đà lây lan, bùng phát của dịch bệnh.

Tạm dừng khu công nghiệp rồi thì một vấn đề đặt ra là phải làm sao giữ chân được công nhân ở lại khu công nghiệp, để họ không về các địa phương làm lây lan dịch cho các tỉnh.

Chính vì vậy, tỉnh quyết định phong tỏa ngay các khu công nhân ở trọ, giữ chân được 60.000 công nhân đến từ 61 tỉnh, thành trong cả nước ở lại Bắc Giang. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Giang chấp nhận rủi ro hơn, vất vả hơn, làm sao vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo công tác hậu cần cho 60.000 công nhân trong điều kiện nhân lực, vật lực của tỉnh còn khó khan, tỉnh không có một bệnh viện Trung ương nào đóng trên địa bàn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.

Cho đến thời điểm này, số ca F0 của Bắc Giang vẫn lớn nhất cả nước, khoảng 2.800 ca; khoảng 17.000 F1 đang phải cách ly tập trung, cùng với 60.000công nhân đang ở các khu phong tỏa ở một số địa phương của huyện Việt Yên, Yên Dũng. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, dù số ca mắc Covid-19 lớn nhưng cơ bản các F0 đang nằm trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa.

Ông có thể giải thích rõ hơn, vì sao số lượng các ca F0, F1 ở Bắc Giang lại tăng nhanh đến vậy chỉ trong một thời gian ngắn?

– Nguyên nhân là vì các công nhân làm việc trong môi trường kín, phòng điều hòa, trần thấp, khoảng cách ngồi rất sát nên virus dễ lây lan.

Ví dụ như Công ty Hosiden trước đó cũng đã làm công tác phòng chống dịch rất tốt và cẩn thận. Công nhân đến làm việc họ yêu cầu thay khẩu trang, xịt khuẩn, đo thân nhiệt. Vào xưởng làm việc phải qua 2 lớp cửa, cửa này đóng lại mới mở lớp cửa thứ hai. Nhưng do mật độ làm việc quá đông, lại trong môi trường yếm khí như đã nói ở trên nên nếu không phát hiện sớm ca F0 thì tốc độ lây lan cực nhanh, trong khi đó hầu hết các ca mắc không có biểu hiện.

Số ca F0 nghe thì lớn nhưng chủ yếu tập trung ở một số doanh nghiệp trong một số khu công nghiệp tập trung. Nếu như ở ba đợt dịch trước, Bắc Giang đều phát hiện ca mắc Covid-19 trong khu dân cư, khi đó chúng tôi chỉ cần phong tỏa khu vực đó là xử lý được ngay. Còn lần này dịch bùng phát trong khu công nghiệp, lúc đầuchúng ta không theo kịp tốc độ lây lan của dịch.

Tôi nhớ ngày 8/5 phát hiện ca Covid-19 ở khu công nghiệp Vân Trung, chúng tôi tập trung khoanh vùng, xét nghiệm. Sau đó, ngày 14/5, lấy mẫu xét nghiệm ở khu công nghiệp Quang Châu thì phát hiện ổ dịch ở Hosiden, có nghĩa dịch đã xuất hiện trước đó nhưng do không có triệu chứng nên công ty dù giám sát cũng không phát hiện ra, qua tầm soát mới phát hiện hàng chục ca dương tính, như phân xưởng số 4 của Hosiden rất nhiều công nhân đã mắc bệnh.

Với số lượng người phải cách ly y tế đông như thế, khó khăn, áp lực là khó tránh khỏi nên chúng tôi dùng tất cả các trường học để tổ chức cách ly. Cũng may là, tất cả các trường hợp dương tính đều là công nhân nằm trong khu cách ly tập trung. Cả tỉnh chỉ có 78 trường hợp ngoài cộng đồng, đều đã được khoanh vùng nên nguy cơ lây lan ra cộng đồng đến giờ này mà nói là có thể kiểm soát được.

Vậy, kế hoạch chống dịch của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới là gì, sau khi tỉnh đã bước đầu kiểm soát được dịch?

– Nói thật với các bạn, để lo được hậu cần cho toàn bộ 17.000 trường hợp cách ly tập trung trong toàn tỉnh như hiện nay là không đơn giản. Ngoài ra, còn có 60.000 công nhân ở khu phong tỏa. Dù có quy định người cách ly phải đóng tiền ăn nhưng hiện tỉnh vẫn đang phải tạm ứng. Các bữa ăn do quân đội lo đầy đủ, tươm tất, không hề tính công xá nên tiền ăn 80.000đồng/người/ngày là hoàn toàn đi vào thức ăn, nhiều công nhân bày tỏ đi cách ly mà ăn ngon hơn đi làm.Đối với các công nhân khu phong tỏa, tỉnh tổ chức các siêu thụ 0 đồng, hiện đã có 29 siêu thị như vậy, với đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho công nhân.

Trong thời gian tới, chúng tôi xác định phải tinh hơn trong khâu xét nghiệm, tránh lây chéo trong khu cách ly, giãn công nhân ở khu nhà trọ để giảm bớt áp lực và tránh lây chéo. Như ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (huyện Việt Yên) có đến 9.000 công nhân, chúng tôi đã và đang có kế hoạch di chuyển công nhân để làm sạch mầm bệnh ở nơi này.

Khi Bắc Giang phát hiện nhiều ca bệnh như vừa qua, đội ngũ lãnh đạo tỉnh như ông hẳn phải có nhiều đêm mất ngủ?

– Mùng 8/5, Bắc Giang phát hiện ca bệnh, tỉnh tập trung cao độ triển khai khoanh vùng, xét nghiệm. Cái khó của chúng tôi là ban đầu năng lực xét nghiệm có hạn trong khi số lượng công nhân đông, tốc độ lây lan nhanh nên xét nghiệm không kịp, công tác truy vết khó khăn do đặc thù công nhân làm việc ở nhiều phân xưởng, đi chung nhiều xe tuyến.

Khi đoàn của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn phụ trách tăng cường về Bắc Giang, anh em chúng tôi nhiều khi họp đến nửa đêm để triển khai.

Rất may là trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, Bắc Giang nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngành chức năng và các địa phương. Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình, thậm chí TP.Hồ Chí Minh… đều chi viện người, vật chất và tinh thần giúp Bắc Giang khống chế dịch với khẩu hiệu: “Cả nước vì Bắc Giang, Bắc Giang vì cả nước!”. Tôi tin với tinh thần ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ thành công. Tôi đang hy vọng khoảng 20/6 Bắc Giang sẽ từng bước khống chế, tiến tới dập dịch.

Đối với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tỉnh có kế hoạch cho các doanh nghiệp trở lại làm việc trong điều kiện mới như thế nào, thưa ông?

– Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động, Bắc Giang đã thành lập 35 tổ công tác để đánh giáđiều kiện phòng dịch của các khu công nghiệp, hiện đã đánh giá xong 375 doanh nghiệp. Trong đó, có 34 doanh nghiệp không có nguy cơ hoặc ít nguy cơ; 151 doanh nghiệp nguy cơ thấp, đây là những doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn.

Đã có 13 doanh nghiệp được hoạt động trở lại, với tiêu chí: Công nhân an toàn, giao thông an toàn (công nhân đến nhà máy có xe đưa, đón riêng), sản xuất an toàn và doanh nghiệp an toàn.

Ông có khuyến cáo gì cho các khu công nghiệp trong cả nước để đảm bảo phòng dịch, sản xuất an toàn trong điều kiện mới?

– Trong cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, chúng tôi đã nêu 4 vấn đề khuyến cáo các khu công nghiệp. Một là, công nhân đi xe ra vào phải có quản lý, đi xe nào về xe đấy, nếu không rất khó truy vết khi có có ổ dịch. Hai là, trong phân xưởng phải ngăn nhỏ, chia nhóm làm việc; ba là, chỗ ăn cơm, sinh hoạt chung, khu vệ sinh công cộng phải thông thoáng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nêu quan điểm, không phong tỏa một cách cực đoan, làm sao phải đảm bảo mục tiêu “kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Việc quyết định phong tỏa hay không phong tỏa cũng thể hiện bản lĩnh của lãnh đạo tỉnh. Ông và đội ngũ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang phải đối diện với những việc này như thế nào?

– Quan điểm của chúng tôi là chống dịch để sản xuất, sản xuấtđể chống dịch, làm việc trong điều kiện mới. Khi các ca Covid-19 ngày càng nhiều chúng tôi có thể lựa chọn phương án phong tỏa cả tỉnh nhưng khi đó vải của nông dân sắp vào vụ thu hoạch có thể phải đổ đi, nông dân trắng tay.

Nếu phong tỏa, chúng tôi có thể an toàn, đỡ vất vả nhưng Bắc Giang kiên quyết chọn phương án vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất, có nghĩa là chấp nhận vất vả, thậm chí rủi ro hơn, nhưng cái được thì rất nhiều. Bởi nếu phong tỏa, các doanh nghiệp khó lên Bắc Giang mua nông sản, sản phẩm của tỉnh cũng không mang đi bán được, thiệt hại lúc đó rất lớn.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn giữ được vùng vải Lục Ngạn an toàn với dịch bệnh Covid-19 khi trên địa bàn không có ca nào, chúng tôi cũng quán triệt quan điểm phải làm sao ở vùng trồng vải tập trung không có trường hợp F1.

Xin cảm ơn ông!

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái: Mùa vải nóng sẽ...ngọt ngào! - Ảnh 18.