Chuẩn bị hoa hồng đón Tết
06/11/2012 07:03
Trong điều kiện sản xuất thủ công, cơ giới hóa, tự động hóa hoặc trồng trong chậu để trang trí trong nhà. Ở nước ta, nhiều hộ nông dân trồng hoa hồng Pháp cho thu nhập cao, 1ha có thể thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng.
Ảnh minh họa nguồn internet
Ngày nay, các đặc điểm nông học chính cho việc lựa chọn giống hoa hồng là: Đặc điểm tái ra hoa và khả năng nở hoa liên tục, không có râu, ít gai, có nhiều cành và cho nhiều hoa, màu sắc hoa, kháng các bệnh virus quan trọng và chống chịu điều kiện khí hậu bất lợi. Từ đó, việc chọn giống và nhân giống hoa hồng có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau như: Cắt cành giâm và chiết cành, ghép cành, gieo hạt (những giống có cho hạt) và nuôi cấy mô. Tuy nhiên, biện pháp cắt cành giâm hoặc chiết cành và ghép cành được phổ biến.
Nhu cầu đất đai, nước tưới và phân bón cho hoa hồng: Trong điều kiện sản xuất kinh doanh lớn, đất trồng cần được phân tích giúp người sản xuất biết được chính xác chất khoáng vô cơ và chất hữu cơ có sẵn trong đất, trong nước, là những thành phần nào, yếu tố khoáng nào còn thiếu. Điều này giúp việc bón phân sau này có hiệu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng và kinh doanh hiệu quả cao.
Hoa hồng yêu cầu độ pH = 6 – 7, nếu đất chua (độ pH < 5,5) cần bón khoảng 60kg vôi bột/1.000m2, bón rải trước khi làm đất. Đất trồng hoa hồng nên là đất cát pha, hoặc thịt nhẹ, tốt nhất là đất phù sa. Ruộng trồng cần phải chủ động tưới tiêu nước. Đất được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống ruộng 70 – 80cm, cao 25 – 30cm.
Hoa hồng cần các yếu tố đa lượng trong phân bón như: Đạm (N), lân (P), kali (K), canxi (Ca), magiê (mg) và các yếu tố vi lượng như: Sắt (Fe), mangan (Mn), kẽm (Zn), đồng (Cu), Bo (B)…
Lượng phân bón và cách bón phân cho hoa hồng: Vườn hoa hồng dùng để ghép (hoặc chiết) cần có chế độ chăm sóc riêng. Chẳng hạn, bón nhiều phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục 2 – 3 tấn, phân lân super 55 – 70kg, đạm urea 30 – 40kg, kali clorua 8 – 10kg cho 1.000m2. Chia đều bón 12 lần, khoảng 1 tháng bón 1 lần. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân vào chính giữa luống. Bón thúc bằng cách tưới đạm và kali loãng cách gốc 15cm.
Theo danviet