Một loạt mặt hàng tăng giá đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng cao
31/10/2017 07:22
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa tại Big C Bắc Giang. Ảnh: Huy Nam |
So với tháng trước, 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều tăng giá: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,14%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; giáo dục tăng 0,19%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%…
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, chỉ số CPI tháng 10 năm 2017 có mức tăng khá cao do một số nguyên nhân chủ yếu như: Ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, thực phẩm tăng 0,37%.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm vật liệu xây dựng tăng 0,84%, chủ yếu tăng ở mặt hàng sắt thép, với giá thép trong nước và thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây do giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép, than điện cực chì tăng mạnh từ tháng 7-2017. Cùng đó, tại Trung Quốc, Công ty Thép Steel Plates Bengang – một công ty sản xuất thép lớn bị cháy và một số nhà máy không đủ tiêu chuẩn về môi trường đã buộc đóng cửa, làm cho giá thép trong nước tăng từ 5% – 10%.
Ngoài ra, giá xăng, dầu còn ảnh hưởng từ đợt tăng giá ngày 20-9-2017 (mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 5-10-2017 và ngày 20-10-2017, giá xăng giảm 240 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 30 đồng/lít ), đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 10 tăng 1,44% so với tháng trước.
Từ ngày 1-10-2017, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 28.000đ/bình 12 kg, tăng 7,94% so với tháng 9-2017, do giá gas thế giới tăng 87,5 USD/tấn, lên mức 577,5 USD/tấn. Cũng có yếu tố tăng giá khác, đó là do tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của UBND 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế và tăng giá dịch vụ y tế tại các phòng khám tư nhân tại tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai làm cho giá dịch vụ y tế tăng 2,79%. Đồng thời, có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,21%.
Bên cạnh các nhóm hàng hoá tăng, cũng có một số mặt hàng giảm nhẹ như: Giá thịt lợn giảm 0,95% do tâm lý e ngại của người dân sau sự việc gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ nên người dân ít sử dụng thịt lợn. Cũng trong tháng 10, thời tiết mưa, bão dẫn đến nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện giảm 0,24%. Giá cát tiếp tục giảm mạnh từ 5% – 15%, chủ yếu giảm ở các tỉnh phía Nam do một số địa phương đã cho phép khai thác trở lại, hơn nữa một số địa phương đang trong mùa mưa nên nhu cầu xây dựng giảm. Đến thời điểm tháng 10 đã qua mùa du lịch, nên giá tua du lịch trong nước giảm 0,16%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2017 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ; 10 tháng năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,44%. Bình quân 10 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,32% – 1,88%, bình quân 10 tháng lạm phát cơ bản là 1,44%, thấp hơn mức kế hoạch từ 1,6% – 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
baobacgiang.com.vn