Cảnh sát cơ động xử phạt vi phạm giao thông là đúng thẩm quyền

Lượt xem: 147

Tham gia giao thông trên đường, đặc biệt là vào buổi tối, người đi xe thường hay bắt gặp lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra trên các tuyến phố ở Hà Nội và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, đèo ba, đèo bốn lạng lách đánh võng hoặc vượt đèn đỏ… Tuy vậy, nhiều người cho rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động không phải là đơn vị xử lý các vi phạm về trật tự giao thông, do đó không được quyền yêu cầu dừng xe để kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm giao thông.

Ví dụ như trường hợp của anh Đoàn Hoàng Giang (Hà Nội), khi bị lực lượng Cảnh sát cơ động dừng xe, xử phạt với lỗi không bật đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông vào lúc trời tối, anh Giang đưa ra thắc mắc: “Theo tôi biết thì lực lượng Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… Còn việc xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Như vậy, việc xử phạt vi phạm giao thông có đúng thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát cơ động?”.

Cảnh sát cơ động dừng xe người vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trả lời những thắc mắc của bạn đọc về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Xuân Dũng – Công ty Luật Tập đoàn Hà Thành khẳng định: “Việc Cảnh sát cơ động dừng xe người vi phạm giao thông để xử phạt trong quá trình lực lượng này thực hiện tuần tra, kiểm soát trên đường là hoàn toàn đúng quy định. Những quyền hạn và phạm vi xử phạt của lực lượng này đều được quy định cụ thể bằng văn bản pháp luật.”

Luật sư Nguyễn Xuân Dũng dẫn chứng, quyền hạn và đối tượng tuần tra kiểm soát của cảnh sát cơ động được quy định tại điều 8 và 9, Thông tư 58/2015/TT-BCA. Theo đó, về quyền hạn, lực lượng này có thể: Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

Về khu vực tuần tra, lực lượng Cảnh sát cơ động được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo khu vực, mục tiêu, tuyến hoặc địa bàn được phân công với các đối tượng bao gồm người, phương tiện, đồ vật và tài liệu.

Theo quy định, lực lượng này có quyền xử lý vi phạm giao thông tại chỗ đối với người vi phạm.

Liên quan tới thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát cơ động trong lĩnh vực giao thông, một số chuyên gia về lĩnh vực này cũng cho biết, việc cảnh sát cơ động dừng xe của người vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông được quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3, Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP: “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm, Khoản, Điều của Nghị định này”.

Như vậy, cảnh sát cơ động có quyền hạn kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và có thẩm quyền xử phạt đối với một số hành vi có liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

Thiết nghĩ, để người dân không bị nhầm lẫn về vấn đề này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân có thể hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng lực lượng, qua đó nâng cao nhận thức pháp luật của của người dân.

Theo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, tại điều 3, điều 4 thì chức năng nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của lực lượng này được quy định cụ thể như sau:

Điều 3. Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động

Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động

1. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an; thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Kết hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục với cơ động ngăn chặn, trấn áp kịp thời các hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân và hệ thống chính trị; chịu sự giám sát của nhân dân.

Theo ĐCSVN