Phải hơn cứu hỏa!
03/12/2018 09:06
Cấp cứu tai nạn giao thông nhanh, sẽ hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật nặng.(Ảnh: phunuvietnam.vn)
Khi tham gia giao thông, không ít lần chúng ta chứng kiến nạn nhân tai nạn giao thông bị thương vong trên đường, có trường hợp được cấp cứu kịp thời, có trường hợp thì dù chưa biết sống chết ra sao nhưng nạn nhân vẫn nằm tại hiện trường chờ lực lượng chức năng. Điều rất đáng lưu tâm của mỗi chúng ta khi chứng kiến những nạn nhân phải đối mặt với cái chết cận kề nhưng không được cấp cứu ngay vì vẫn phải “giữ nguyên hiện trường”, chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Và chắc chắn là có những nạm nhân phải ra đi mãi mãi vì lý do rất đáng tiếc này!
Theo số liệu nghiên cứu của một bệnh viện lớn tại Hà Nội, chỉ 63,8% nạn nhân tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện trong 6 giờ đầu, số còn lại đến sau 6 giờ, trong đó có 8,2% đến bệnh viện sau 72 giờ. Trong khi đó, các nghiên cứu y khoa cho biết 50% số nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn; 30% xảy ra trong ba đến bốn giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện. Do đó, một giờ đầu sau khi bị tai nạn, được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương.
Nếu cấp cứu chậm trễ thì chấn thương nặng thêm, có thể gây khó khăn cho công tác cứu chữa. Trường hợp cấp cứu được thì cũng để lại di chứng nặng nề cho người bị nạn, nhất là những trường hợp chấn thương sọ não, chấn thương cột sống… nạn nhân có thể tàn phế hoặc sống thực vật đến khi nhắm mắt, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông được sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện còn thấp là do hầu hết các trường hợp tai nạn xảy ra ở xa các khu vực dân cư, trên tuyến quốc lộ, thậm chí tại vùng sâu, vùng xa. Cấp cứu tại hiện trường chủ yếu do người đi đường thực hiện, tỷ lệ được nhân viên y tế cấp cứu rất thấp.
Đây là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, bởi lẽ cấp cứu phải khẩn trương, nhanh chóng nhất có thể để nạn nhân được đến cơ sở y tế trong “giờ vàng”, nhưng sơ cấp cứu không đúng phương pháp cũng gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí có thể làm nạn nhân tử vong hoặc nặng hơn tình trạng chấn thương hiện có, kể cả gây tàn phế suốt đời.
Để khắc phục tình trạng này, một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức thí điểm mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh. Giải pháp mang tính cơ động này được kỳ vọng sẽ tranh thủ được “giờ vàng” cấp cứu cho người bệnh trong các tình huống tắc đường xe.
Ngoài phương tiện cứu thương là ô tô, các bệnh viện cần đa dạng hóa các phương tiện cấp cứu như ca nô, xe máy… Nhiều nước trên thế giới cũng sử dụng rất nhiều phương tiện để tiếp cận người bệnh.
Một giải pháp khác cũng đã được thực hiện ở một số đơn vị là Cảnh sát giao thông được hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông. Vì Cảnh sát giao thông là đối tượng thường có mặt sớm nhất sau khi xảy ra tai nạn, nếu có kỹ năng sơ cấp cứu thì họ vừa giúp đỡ được nạn nhân vừa bảo vệ được hiện trường vụ tai nạn.
Và đối tượng cần có kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân giao thông nữa chính là tất cả những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông, nên cần tích hợp kỹ năng này vào việc thi cấp bằng, các đợt tập huấn, các cuộc thi… và hướng dẫn ngay từ các trường phổ thông, để khắc phục tình trạng thiếu kỹ năng sơ cấp cứu còn phổ biến hiện nay, nhằm tận dụng “giờ vàng” quý giá cho các nạn nhân./.
Nguồn dantri.com.vn