Xử lý vi phạm đê điều ở Bắc Giang: Kiên quyết giải tỏa, bảo đảm an toàn đê
27/07/2020 02:45
Kết quả giải tỏa đạt cao
Quán triệt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đôn đốc các huyện, TP xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai (PCTT). Tại Hiệp Hòa, theo kế hoạch năm 2020, huyện phải xử lý 24 trường hợp vi phạm (35 công trình), trong đó xã Đông Lỗ 7, Hợp Thịnh 26, Đại Thành 1, Mai Đình 1 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 9 trường hợp vi phạm đê điều mới phát sinh nên UBND huyện đã đưa vào kế hoạch xử lý, đưa tổng số phải giải tỏa là 33 trường hợp. Huyện xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn kiểm tra, bám sát cơ sở để giải quyết từng vi phạm.
Bãi vật liệu ven đê hữu Thương (TP Bắc Giang) chất tải bảo đảm cách chân đê và cao trình thoát lũ.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tăng cường phối hợp với Hạt Quản lý đê Hiệp Hòa kiểm tra, đề nghị UBND các xã xử lý triệt để ngay từ khi vi phạm mới phát sinh. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện đã xử lý được 32/33 trường hợp (23 trường hợp vi phạm cũ, 9 trường hợp vi phạm mới), còn 1 trường hợp là vi phạm cũ. Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện nói: “Việc xử lý vi phạm tương đối phức tạp song kinh nghiệm cho thấy, trước hết phải sát sao, kịp thời phát hiện vi phạm mới, sau đó kiên trì vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình xâm lấn, kiên quyết, bảo đảm công bằng trong xử lý các trường hợp”. Trên tinh thần ấy, đa phần người dân đã tuân thủ. Hộ anh Vũ Văn Hưng, thôn Vọng Giang, xã Mai Đình vừa tự nguyện phá hơn 30m2 mái tôn lợp trên phần đất xâm lấn đê tả Cầu.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang xử lý được 96/126 trường hợp vi phạm về đê điều. Ngoài huyện Hiệp Hòa, TP Bắc Giang còn có các địa phương làm tốt như: Huyện Việt Yên xử lý được 15/17 trường hợp; Yên Dũng xử lý được 7/10 trường hợp. |
Tại TP Bắc Giang, đến nay đã xử lý 27/27 trường hợp vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là tập kết cát, sỏi cao quá so với cao trình cho phép; xây dựng công trình trái phép ven đê. Thực tế dọc tuyến đê tả Thương cho thấy, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sông Thương đã giải tỏa, chứa cát, sỏi cách xa chân đê theo quy định; không chất tải cao nhằm bảo đảm khả năng quan sát, xử lý các tình huống xấu về đê điều khi mưa lũ xảy ra. Công ty TNHH Bến bãi Đông Sơn, xã Đồng Sơn đã phá dỡ nhà điều hành lợp mái tôn trong hành lang bảo vệ đê với diện tích khoảng 50 m2.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh xử lý được 96/126 trường hợp vi phạm (xâm lấn đê 72 trường hợp, bãi vật liệu 24 trường hợp). Ngoài huyện Hiệp Hòa, TP Bắc Giang còn có các địa phương làm tốt như: Huyện Việt Yên xử lý được 15/17 trường hợp; Yên Dũng xử lý được 7/10 trường hợp.
Tập trung gỡ vướng
Việc xử lý vi phạm đê điều đã đạt kết quả bước đầu nhưng giải tỏa các bến bãi tập kết ven sông vẫn còn khó khăn. Nổi bật như giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đang vướng do phần diện tích đất từ mép bờ sông tự nhiên trở vào trước đây không được giao cho các hộ nay phải điều chỉnh lại. Công tác giải tỏa bến bãi không nằm trong quy hoạch chưa triệt để, chậm hoàn thành, mới chỉ tạm dừng không chất tải vật liệu thêm nhưng vẫn chưa di chuyển hết số vật liệu đã tập kết và công trình ra khỏi bãi sông theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Nguyên nhân là do các chủ hộ đã chất tải cát, sỏi trên bãi với lượng lớn, chưa tiêu thụ được hết sản phẩm.
Hộ anh Vũ Văn Hưng, thôn Vọng Giang, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) tự tháo dỡ công trình vi phạm ven đê tả Cầu.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để xử lý hiệu quả vi phạm về đê điều, Sở đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, TP tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Luật PCTT đến người dân vùng ven đê. UBND các huyện, TP phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông- Vận tải tháo gỡ khó khăn về cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho các chủ hộ có nhu cầu. Lực lượng chuyên trách quản lý đê kiểm tra phát hiện sớm những trường hợp vi phạm, lập biên bản đình chỉ, đề xuất biện pháp xử lý; đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết giải tỏa không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái phạm.
Đi đôi với biện pháp trên cần tích cực, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp hữu hiệu xử lý, giải tỏa triệt để các bãi cát, sỏi ngoài quy hoạch. Cưỡng chế các trường hợp bến bãi và tháo dỡ, di chuyển các công trình xây dựng không phép, trái phép ngoài bãi sông xong trước ngày 30/6/2020.
Nguồn: baobacgiang.com.vn.