Trồng lúa lãi 30%: Dễ hay khó?

Lượt xem: 161

Bài 1: Còn là giấc mơ!

Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đẩy mạnh tiêu thụ lúa nhằm đảm bảo nông dân có lãi tối thiểu 30%. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, nếu tính toán chi tiết giá thành sản xuất và với giá thu mua hiện nay thì khó mà có lãi 30%.

Hiện nay, người trồng lúa khó đạt đượng mức lãi 30%.

“Sốt” vì lúa

Ông Nguyễn Văn Châu (53 tuổi) ở xã Thạnh Lộc (Vĩnh Thạnh – TP.Cần Thơ) cho biết, cả đời ông sống nhờ hơn 3ha đất ruộng của ông cha để lại. Hồi trước, làm lúa mùa (tức mỗi năm 1 vụ) thì không thấy ế. Đến khi làm 2 vụ/năm, nông dân có cái ăn, thậm chí lúa có thể trữ bồ, muốn bán lúc nào cũng có thương lái đến mua. Gần chục năm nay, sau khi cải tạo thủy lợi, làm lúa 3 vụ, năm nào cứ vào vụ hè thu là gia đình ông và nông dân trong xóm đứng ngồi không yên. “Giá lúa hè thu năm nào cũng xuống thấp. Mấy năm nay chỉ toàn lấy đồng lời của vụ đông xuân bù lại cho hè thu, hiếm thấy khi nào có lãi”, ông Châu than thở.

Cũng đang đau đầu với lúa, ông Phạm Văn út canh tác hơn 2ha lúa ở xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành – Sóc Trăng) cho hay: “Tui đang chạy đôn chạy đáo, chấp nhận lỗ mà vẫn không bán được lúa. Lúa để trong nhà đến nảy mầm. Đại lý vật tư nông nghiệp chỉ cho nợ trong 3 tháng, nếu quá hạn, chúng tôi phải trả thêm 15% lãi suất. Giá lúa thấp cũng phải bán để trả nợ”.

Tại TP.Cần Thơ, trung tâm giao dịch lúa gạo lớn của khu vực, tình hình tiêu thụ cũng chững lại. Hiện chỉ còn số ít doanh nghiệp lớn trên địa bàn duy trì việc thu mua lúa nhưng với số lượng vừa phải. Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Tình hình tiêu thụ lúa hè thu rất khó khăn. Chất lượng lúa vụ này nhìn chung thấp nên các doanh nghiệp ngại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi đang theo dõi tình hình thu hoạch và tiêu thụ trong dân để báo cáo UBND thành phố có biện pháp chỉ đạo kịp thời!”.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, vụ hè thu 2010, toàn vùng ĐBSCL gieo cấy trên 1,5 triệu hecta, năng suất giảm hơn so với các vụ trước khoảng 0,5 tạ/ha, dù nguồn cung giảm mạnh nhưng giá lúa vẫn giảm và tình hình tiêu thụ rất khó khăn.

Thời điểm này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang còn khoảng 2 triệu tấn lúa, chủ yếu là lúa hè thu, chưa tiêu thụ được.

Giá thành, tính chưa đủ

Những ngày này, người trồng lúa ở ĐBSCL đang “héo”, không chỉ do nắng nóng, xâm nhập mặn mà còn vì giá lúa đã xuống quá thấp. Hiện giá thu mua ở các tỉnh ĐBSCL chỉ còn khoảng 3.000-3.100 đồng/kg lúa khô; lúa tươi bán tại ruộng 2.800- 2.900 đồng/kg. Bán với giá này, nông dân không có lời, thậm chí bị lỗ. Theo tính toán của các hộ dân, giá thành sản xuất của vụ này lên tới 2.732 đồng/kg, nếu bán với giá như hiện nay thì cầm chắc lỗ. Nhiều nông dân than, để làm ra hạt thóc, họ phải đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, đó là chưa kể tới công chăm sóc, thuê đất trồng lúa… Vì thế, mức lãi 30% tuy chưa cao nhưng nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nằm mơ cũng khó thấy.

TS.Võ Công Thành (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, nhìn vào con số 30% tưởng là lớn nhưng nếu tính toán chi li thì mức lãi này không có ý nghĩa nhiều. Ông làm phép tính: Trung bình mỗi hộ gia đình ở ĐBSCL canh tác khoảng 5.000m2 đất, mỗi năm làm nhiều nhất cũng chỉ 3 vụ lúa, tức 4 tháng/vụ. Với diện tích đất này, họ thu hoạch được khoảng 3 tấn lúa/vụ. Lấy mức giá sàn 4.000 đồng/kg mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra để thu mua lúa vụ đông xuân cách đây 3-4 tháng thì tổng doanh thu của mỗi hộ khoảng 12 triệu đồng/vụ. Nếu lãi 30%, tương đương 3,6 triệu đồng/hộ. Trung bình mỗi hộ có ít nhất bốn người, tính ra mỗi người sẽ được 900.000 đồng/4 tháng, tức 225.000 đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo tính toán của lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay đã lên tới 3.800 đồng/kg, trong khi giá thu mua của thương lái tại nhà dân quá thấp, như vậy, người trồng lúa đang chấp nhận bán lỗ. Theo các chuyên gia kinh tế, trong cơ cấu giá thành sản xuất lúa, ngoài các chi phí trực tiếp còn có chi phí cơ hội. Khoản này làm giá thành tăng thêm khoảng 30% nhưng ít khi hoặc hoàn toàn không được tính vào giá thành. Do đó, tính không đủ hết các khoản chi phí đầu vào thì làm sao bảo đảm cho nông dân lãi đủ 30%?

“Nói là lời 30%, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố khác để hạch toán đúng giá thành sản xuất, ví dụ với các hộ dân không có ruộng, họ phải đi thuê đất để trồng lúa, tiền thuê đất đó có được tính vào giá thành sản xuất hay không, rồi một loạt các chi phí khác như thuê nhân công gặt lúa, công phơi, sấy, xay xát… Cho nên, chúng ta cần tính toán lại giá thành sản xuất thực, nếu không người nông dân sẽ chỉ được hưởng lãi ảo”, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.

Nông dân tự bơi

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế đánh giá, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thuộc hàng nhất, nhì thế giới nhưng đầu tư vào nông nghiệp còn lơ là, quy hoạch phát triển lúa gạo chưa thật sự theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Bằng chứng là trong quý 3/2008, khi tốc độ xuất khẩu gạo của Việt Nam chậm lại, ngành nông nghiệp cho là do nông dân trồng nhiều lúa IR 50404. Thế mà vẫn không có định hướng nào khác cho việc tiêu thụ lúa đặc sản chất lượng cao. Hiện, các doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào các hợp đồng xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp (15 – 25% tấm) nên các hộ vẫn sản xuất lúa IR 50404 và OM 576 để dễ tiêu thụ hơn.

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, các cơ quan Nhà nước cứ lo làm và thay đổi chính sách nhưng không xem chính sách mang lại hiệu quả cho người dân đến mức nào. Có những chính sách bất khả thi, ví dụ Nhà nước nói hỗ trợ 80% giá giống cho nông dân, nhưng hỏi 80% chính xác là bao nhiêu thì không trả lời được. Do có sự khác biệt giữa văn bản và thực hiện chính sách nên nói nông dân mò mẫm làm là không sai.

Trong một nghiên cứu về chi phí và lợi nhuận mà nông dân và doanh nghiệp hưởng trên 1kg lúa của TS.Nguyễn Thị Hiền Thuận ở Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Môi trường thấy, tình hình sản xuất ổn định, nông dân có tỷ lệ lợi nhuận trên 1kg lúa cao nhất so với các tác nhân khác trong chuỗi. Nhưng tại sao nông dân vẫn nghèo? Bởi lợi nhuận trên được tính trên 1kg lúa, còn tổng lợi nhuận toàn chuỗi trong năm thì doanh nghiệp chế biến chiếm tỷ lệ rất cao vì toàn bộ lúa hàng hóa của hàng triệu nông dân hầu hết chỉ tập trung vào hai tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam, một số cho các doanh nghiệp lớn khác.

Xung quanh vấn đề này, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết: “Theo các phân tích, thời điểm hiện nay chưa thể đảm bảo 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, dù chính sách này thể hiện cam kết, trách nhiệm rất cao của Chính phủ đối với người sản xuất. Tuy nhiên, trong một đất nước mới bắt đầu phát triển như chúng ta, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, giá thành sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nên trong chiến lược 10 năm tới, Việt Nam cần ưu tiên phát triển nông nghiệp ĐBSCL, các địa phương sản xuất lương thực trọng điểm theo tinh thần bảo vệ quyền lợi người trồng lúa”.

Theo KTNT

Bài 2: Vì sao khó?