Xuất khẩu nông sản: Nặng gánh thuế, phí

Lượt xem: 176

Tăng cường kiểm tra để giữ thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vấn đề khó nhất đối với DN hiện nay không phải là thị trường, mà là gánh nặng thuế, phí. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho hay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi XK của DN đã tăng 1,5-2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1/7/2011). Chưa kể, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi XK khiến phần lớn các lô hàng XK phải chờ 7-10 ngày.

Cũng theo VASEP, nhiều thị trường nhập khẩu không yêu cầu các giấy chứng nhận này nhưng cơ quan quản lý vẫn bắt DN đóng phí để chứng nhận. VASEP cho rằng, Cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản nên thay đổi phương thức kiểm tra, theo hướng những nhà máy, ao nuôi tuân thủ tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì không cần phải kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản khẳng định: “Trong khi nuôi trồng và chế biến chưa liên kết được với nhau thì biện pháp tốt nhất hiện nay là tăng cường kiểm tra chất lượng, VSATTP trước khi xuất khẩu, nếu không sẽ mất thị trường”.

Bên cạnh gánh nặng phí kiểm nghiệm, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE bao gói hàng xuất khẩu cũng là gánh nặng với DN XK thủy sản. VASEP ước tính, chi phí tăng thêm từ thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm thủy sản XK là 0,1 USD/kg.

Đối mặt với “bão” thanh tra

Giữa tháng 2, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ về việc yêu cầu tăng cường kiểm tra rau quả XK sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Lý do là, thời gian gần đây, nhiều lô hàng rau quả XK sang thị trường này bị thông báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm định thực vật. EU cảnh báo, nếu phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm nữa, họ sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.

Hiệp hội Điều Australia cũng cho hay, nước này có thể cấm một số DN Việt Nam XK sang Australia vì chất lượng không bảo đảm. Tương tự, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) cũng liên tiếp có 2 công thư thông báo, các lô hàng thủy sản không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này có chiều hướng gia tăng.

Theo một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc hàng rào vệ sinh thực phẩm được nhiều nước dựng lên còn có một mục đích khác, đó là “ép” các nước XK như Việt Nam phải mở cửa cho một số mặt hàng của nước họ.

Ông Tiệp cho biết, trong năm nay, nhiều đoàn thanh, kiểm tra các nước sẽ vào Việt Nam. Về mật ong, có đoàn kiểm tra của Hoa Kỳ và EU. Về thủy sản, ngoài Hoa Kỳ và EU tiếp tục kiểm tra định kỳ, nhiều thị trường nhập khẩu khác cũng tăng cường sang kiểm tra do lo ngại về chất lượng, trong đó có Hàn Quốc và Nga.

Chưa công bố kế hoạch cụ thể, song Nhật Bản, Trung Quốc cũng cảnh báo chất lượng thủy sản Việt Nam và có thể cử đoàn kiểm tra sang nước ta.

Để giữ thị trường và chuẩn bị đón các đoàn kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo DN các ngành, đặc biệt là ngành thủy sản, tuyệt đối không lạm dụng chất cấm để phòng, trị bệnh trong nuôi thủy sản, xử lý ao nuôi, bảo quản sau khai thác… Về lâu dài, DN cần bắt tay với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết dọc, bảo đảm sản xuất sạch và có thể kiểm soát được cả quy trình.

Theo KTNT