Dấu hiệu phân biệt viêm não với viêm màng não

Lượt xem: 192

Bệnh lý não – màng não do nhiễm trùng là tình trạng viêm nhiễm mô não, màng não hay cả hai do siêu vi trùng hay vi trùng gây ra. Đây là loại bệnh lý rất nặng có thể gây tử vong hay di chứng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 1-5 trên tổng số 100.000 người. Không phải tất cả mọi người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh đều mắc bệnh này.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết trong bệnh lý não – màng não cần phân biệt rõ 2 nhóm lớn là viêm não và viêm màng não.

Viêm não là tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào nhu mô não và nguyên nhân thường thấy là siêu vi đường ruột hay siêu vi gây viêm não Nhật Bản. Trong khi đó viêm màng não là do tác nhân gây bệnh tấn công vào màng bao quanh não và khi nặng mới có ảnh hưởng đến não.

Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh lý não – màng não do nhiễm trùng có tên gọi riêng như:

– Viêm não Nhật Bản là viêm não do siêu vi trùng viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh lây qua đường muỗi chích và thường gặp ở vùng nông thôn. Siêu vi gây bệnh truyền từ heo, chim mang mầm bệnh sang người qua trung gian là muỗi.

-Viêm não do siêu vi trùng đường ruột (enterovirus), từ đường tiêu hóa tấn công vào não gây viêm não và nguy hiểm nhất là enterovirus 71.

– Viêm màng não hay nhiễm trùng huyết do não mô cầu, tác nhân là vi trùng não mô cầu, tử vong nhanh nếu gặp thể tối cấp.

– Viêm màng não do HIB do vi trùng HIB gây ra, là vi trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi.

– Ngoài ra còn có một số tác nhân khác ít gặp.

Bệnh nhi điều trị viêm não tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM). Ảnh: Lê Phương.

Bệnh nhi điều trị viêm não tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM). Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Khanh, triệu chứng của bệnh viêm màng não hay viêm não ở giai đoạn nặng thường giống nhau với các triệu chứng liên quan đến thần kinh như lừ đừ, kích thích vật vã, run chi, co giật và hôn mê. Trước khi triệu chứng nặng, có các biểu hiện như sốt, nôn ói, bỏ ăn, đau đầu, ho hay tiêu chảy. Ở trẻ nhỏ dưới 12 tháng khi viêm màng não có biểu hiện thóp phồng.

Bên cạnh các triệu chứng liên quan đến thần kinh tùy theo nguyên nhân mà có các triệu chứng khác kèm theo như viêm não do enterovirus 71 thường xuất hiện bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và vết loét trong miệng. Bệnh do vi trùng não mô cầu có thể xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết hoại tử ở da và khi các mảng xuất huyết này lan nhanh thì chính là dấu hiệu bệnh rất nặng.

Để phát hiện sớm bệnh lý não – màng não tốt nhất là nên theo dõi sát khi thấy trẻ sốt, nôn ói, đau đầu. Nếu thấy bóng nước vùng lòng bàn tay bàn chân hay các chấm hay mảng xuất huyết hoại tử thì nên khám các thầy thuốc chuyên khoa. Trẻ có dấu hiệu thần kinh như lừ đừ, kích thích, vật vã, run chi, co giật và hôn mê thì đưa đến bệnh viện ngay. Điều quan trọng cần nhớ là các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh lý não – màng não cần nhiều biện pháp tùy theo mỗi loại bệnh. Với viêm não Nhật Bản thì nên diệt muỗi, ngủ mùng. Với viêm não do siêu vi trùng đường ruột thì bảo đảm vệ sinh khi ăn uống, đặt biệt là rửa tay trước khi ăn.

Chích ngừa văcxin cũng rất quan trọng. Tuy nhiên một văcxin chỉ phòng được một bệnh não hoặc màng não. Hiện nay ở Việt Nam có văcxin chủng ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não do HIB. Riêng bệnh viêm màng não do não mô cầu chỉ có văcxin phòng tuýp A và C, hiệu quả cũng không cao. Để phòng ngừa bệnh quan trọng nhất là vệ sinh môi trường và phát hiện trường hợp bệnh đầu tiên để phòng ngừa cho người xung quanh bằng cách cho uống thuốc.

suckhoe.vnexpress.net