Dịch sởi vào mùa, người lớn cũng mắc bệnh

Lượt xem: 112
Trẻ mắc sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng.

Trẻ mắc sởi có thể dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng.

Hầu hết bệnh nhân chưa tiêm đủ vắc-xin

Tiến sĩ (TS) Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ 20 đến 26-11), bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố tiếp tục giảm 95 trường hợp so với tuần trước đó (với 353 ca được ghi nhận). Lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 37.146 trường hợp mắc SXH (7 trường hợp tử vong) nhưng hiện 99% số bệnh nhân đã khỏi, chỉ còn lại 395 bệnh nhân vẫn đang điều trị tại các bệnh viện.

Trong khi dịch SXH có thể coi như đã được khống chế thì ngược lại, số ca mắc sốt phát ban dạng sởi vẫn đang có xu hướng gia tăng. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc sởi mới. Lũy tích số mắc sốt phát ban dạng sởi trên toàn thành phố từ đầu năm 2017 đến nay là 208 trường hợp, trong đó có 73 trường hợp dương tính với sởi, 1 ca tử vong. Hầu hết trường hợp mắc sởi vừa qua chưa tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh này.

Từ đầu tháng 11 đến nay, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho 4 trường hợp người lớn bị sởi. Hiện tại, Khoa này vẫn đang điều trị cho một bệnh nhân nam (30 tuổi, Kim Bảng, Hà Nam) bị mắc sởi, biến chứng khá nặng. Theo TS Đỗ Duy Cường, bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 80 ca sởi, trong đó có 30 ca là bệnh nhân ở Hà Nội, trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc bệnh là trẻ gần 9 tháng tuổi.

30% trẻ mắc sởi có biến chứng

Theo các bác sĩ, dù phần lớn bệnh nhân sởi có thể tự khỏi, tuy nhiên sau khi mắc bệnh, khả năng miễn dịch bị suy giảm nặng, từ đó tạo cơ hội cho nhiều bệnh khác dễ dàng xâm nhập, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ở người lớn mắc sởi, biến chứng do suy giảm miễn dịch cũng nặng nề không kém ở trẻ em.

TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc sởi và có các biến chứng do sởi cao nhất, thậm chí có thể tử vong. Khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Do vậy, điều quan trọng là cần theo dõi chặt diễn biến bệnh của trẻ để phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.

Liên quan đến dịch bệnh này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cảnh báo, tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn nhiều so với SXH. Chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là bệnh sẽ phát tán virus ra xung quanh. Do vậy, khi có bệnh nhân sởi, các cơ sở y tế cần tổ chức cách ly ngay cả những ca nghi ngờ, những ca sốt phát ban dạng sởi… để phòng tránh dịch lây lan.