Ngày 10/2, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) phối hợp tổ chức tọa đàm về “Giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản”.
Hai tỉnh Bắc Giang – Xay Sổm Bun (Lào) tọa đàm về phát triển trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản
13/02/2023 13:32
Các đại biểu tham dự toạ đàm. |
Đây là nội dung nằm trong kế hoạch hợp tác giữa hai tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị: Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và một số hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang và Đoàn công tác của tỉnh Xay Sổm Bun.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, trở thành điểm sáng trong bức tranh chung của nông nghiệp cả nước. Đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, lạc giống Tân Yên, na Lục Nam, gà Yên Thế…
Một số sản phẩm hàng hoá có tiềm năng, đang phát triển mạnh như: Đàn trâu, bò; dê; đàn ong; sản xuất nấm tươi. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng/ha; thu nhập và điều kiện sống người dân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,81%.
Với mục tiêu để nông dân được ấm no, hạnh phúc, môi trường sống tốt hơn, tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ, trao đổi, thảo luận cụ thể những kinh nghiệm về phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.
Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Trưởng Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun phát biểu. |
Đồng chí Bun-thon Păn-kẹo, Phó Giám đốc Sở Nông Lâm tỉnh Xay Sổm Bun, Trưởng Đoàn công tác cho biết: Nông dân Xay Sổm Bun sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, đa số phụ thuộc vào tự nhiên, rất yếu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả sản xuất thấp. Tỉnh chưa có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
“Nuôi cá ở Xay Sổm Bun chúng tôi, khi thu hoạch, phải từ 3-4 con mới đạt trọng lượng 1 kg; trong khi đó ở tỉnh Bắc Giang, 1 con đã nặng tới 3-4 kg rồi. Cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn, vải thiều… ở đây có vị ngon, ngọt, nhưng những cây trồng này ở bên chúng tôi lại chua, năng suất thấp. Hay như mô hình nuôi vỗ béo bò, 1 hộ nuôi 100 con trên diện tích 4 ha. Trong khi đó ở Lào một hộ trên diện tích 40 ha chỉ nuôi có 150 con”, đồng chí Bun-thon Păn-kẹo cho biết.
Vì vậy, đồng chí đề xuất các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm, cách làm, kỹ thuật cũng như quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Giang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm. |
Đồng chí Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết: Trước mắt, tỉnh Xay Sổm Bun cử người biết tiếng Việt, hiểu về ngành Nông nghiệp để kết nối trực tuyến, khai thác tài liệu từ các Chi cục chuyên ngành nông nghiệp của Bắc Giang như: Trồng trọt, thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật…
Đẩy mạnh làm việc online, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật thông qua video, clip, từ đó người dân Xay Sổm Bun có thể tự làm được mà không mất nhiều thời gian.
“Đơn cử như các cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn… trồng ở Xay Sổm Bun có sức đề kháng rất tốt nhưng hiện nay hiệu quả chưa cao, cây còi cọc, quả chua. Bà con không nên chặt bỏ để trồng mới, sẽ rất lãng phí, lại phải mất 3-4 năm mới cho thu hoạch. Chỉ cần làm biện pháp kỹ thuật là ghép cành, sau 1 năm sẽ cho quả. Hay như nuôi vỗ béo bò thịt, bên cạnh chế độ thức ăn, dinh dưỡng còn phải quan tâm đến việc tẩy ký sinh trùng cho bò…”, đồng chí Lê Bá Thành chia sẻ.
Kết luận toạ đàm, đại diện phía tỉnh Bắc Giang đưa ra những bài học kinh nghiệm. Đó là tỉnh ban hành Nghị quyết, Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Với mỗi giai đoạn ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ.
Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm hộ trồng vải thiều tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). |
Thời gian đầu khi trình độ kỹ thuật, nhận thức của người dân còn thấp, tỉnh đưa cán bộ khuyến nông, thú y về từng thôn, bản để tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới và nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân. Xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển.
Đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm gắn với vùng sản xuất tập trung nhằm gia tăng giá trị, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để khai thác thế mạnh, lợi thế các sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh đưa cơ giới hoá, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Hàng năm tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu hàng hóa, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh với nhiều điểm cầu trong và ngoài nước.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mà nòng cốt là HTX nông nghiệp. HTX chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân, khắc phục tình trạng “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém”.
Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun thăm mô hình nuôi bò vỗ béo tại thôn Bình Voi, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng). |
Trước đó vào các ngày 8 và 9/2, Đoàn công tác tỉnh Xay Sổm Bun đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất chè búp tươi, nuôi gà thả dưới tán rừng, nuôi dê ở huyện Yên Thế; sản xuất vải thiều sớm, trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại huyện Lục Ngạn; nuôi bò vỗ béo, nuôi cá trắm đen thâm canh tại huyện Yên Dũng.
Nguồn: Báo Bắc Giang