Bắc Giang khởi động dự án tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường

Lượt xem: 570

Ngày 18/5, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị khởi động và ký chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 3 (2023-2025). 

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” được triển khai từ năm 2020. Giai đoạn 1 triển khai ở 04 xã: Tư Mại, Tiến Dũng (Yên Dũng); Nghĩa Hưng, Đào Mỹ (Lạng Giang); giai đoạn 2 mở rộng ra xã Lương Phong, Xuân Cẩm (Hiệp Hòa); Tân Hiệp (Yên Thế).

Theo kế hoạch ở giai đoạn 3, tỉnh Bắc Giang triển khai Dự án ở 8/10 huyện, thành phố và 18 xã, cụ thể: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); xã Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); xã Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); xã An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); xã Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); xã Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); xã Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); xã Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam).

Toàn cảnh hội nghị.

Mỗi xã thực hiện 2 mô hình, mỗi mô hình có quy mô ít nhất 2 sào, duy trì trong 3 vụ. Tỉnh Bắc Giang là địa phương duy nhất trong toàn quốc thực hiện dự án giai đoạn 3, thời gian từ tháng 4/2023 đến tháng 9/2024 do tổ chức Earthcare Foundation tài trợ với nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động được đông đảo nông dân trồng lúa chuyển đổi hành vi từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác thân thiện với môi trường. Kết quả của dự án sẽ có tác động tích cực làm thay đổi nhận thức, hành vi cho các hộ trồng lúa, phấn đấu hết năm 2024 có 100.000 lượt hộ nông dân trồng lúa áp dụng 1 trong 3 kỹ thuật canh tá lúa thận thiện với môi trường, không còn tình trạng các địa phương để nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Tham gia Dự án, cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền về tầm quan trọng của canh tác lúa thân thiện với môi trường; tập huấn 03  kỹ thuật về canh tác lúa thân thiện với môi trường (Sử dụng hợp lý phân bón, sử dụng rơm rạ đúng cách và tưới nước ướt – khô xen kẽ); hội thảo đánh giá; các sự kiện truyền thông; xây dựng mô hình trình diễn và thăm quan, học tập kinh nghiệm…). Qua đó, góp phần xây dựng thành công mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm lúa, gạo; thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ký chương trình phối hợp thực hiện dự án.

Trong khuôn khổ hội nghị, Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ký chương trình phối hợp thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 3. Tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nội dung của dự án; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bên cạnh hình thức hội nghị, toạ đàm, tờ rơi… cần quan tâm lấy chính nông dân để tuyên truyền cho nông dân bằng những mô hình thực tế; tập huấn về các kỹ thuật; xây dựng mô hình điểm để nhân rộng; xây dựng vùng sản xuất lúa thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu.

Thân Thị Dũng – Hội Nông dân tỉnh