Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn được tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông
16/10/2024 08:00
Dù ở vị trí công tác nào, ông Lã Văn Đoàn luôn dành tâm huyết, tình cảm, thời gian, trí lực nghiên cứu khoa học, công nghệ mới; tích cực, chủ động phối hợp, hợp tác với các ngành, doanh nghiệp hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững, thịnh vượng, nâng cao đời sống cho nông dân.
Ths. Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang là 1 trong 56 người được vinh danh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ V, năm 2024. Ảnh: Đức Quảng
Một số dự án, đề tài nghiên cứu của ông Lã Văn Đoàn đã được thử nghiệm, nghiệm thu và ứng dụng rộng rãi. Cụ thể:
Đề tài: Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây Ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Thời gian thực hiện Đề tài từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015 trên địa bàn 3 xã của huyện Sơn Động.
Ông Lã Văn Đoàn cho hay: Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, năm cách trung tâm TP. Bắc Giang khoảng 80 km về phía Đông Bắc. Sơn Động có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 82,67% diện tích đất tự nhiên, độ che phủ của rừng đạt trên 71,8%. Lợi thế là vậy nhưng đời sống của bà con nông dân, hội viên nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy trong quá trình công tác “gắn bó với nông dân” tôi luôn trăn trở, tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ bà con nông dân Sơn Động phát triển kinh tế.
“Để giúp bà con nông dân huyện Sơn Động làm giàu từ nông nghiệp và không phải xa quê hương, sau khi lên ý tưởng với nhiều loại cây trồng khác nhau, cuối cùng tôi đã lựa chọn cây ba kích để nghiên cứu. Bởi ba kích là cây trồng bản địa, dược liệu quý của địa phương lại có giá trị kinh tế cao, dễ xây dựng và liên kết thành vùng dược liệu lớn…” ông Đoàn cho hay.
Ông Lã Văn Đoàn cho biết: Ba kích được trồng dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả đã được quy hoạch và phát triển thành vùng sản xuất dược liệu tập trung, sản xuất hàng hoá mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Việc trồng và chăm sóc cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả tạo ra nguồn thu nhập ổn định từ cây ba kích, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, giảm thiểu rủi ro kinh tế do phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất.
Kết quả của Đề tài đã được phát triển và nhân rộng, góp phần quan trọng trong việc cây Ba kích là sản phẩm tiềm năng của tỉnh, là một trong 9 nhóm ngành, hàng sản phẩm cần ưu tiên trong phát triển mô hình liên kết. Quy mô trồng cây Ba kích từ 3 xã lên 8 xã của huyện Sơn Động với diện tích gần 30 ha.
Mô hình trồng cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả không chỉ đem lại giá trị kinh tế còn tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí cho người trồng. Việc trồng ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả giúp tận dụng tối đa diện tích đất, không để đất trống, tăng cường hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Cây lâm nghiệp và cây ăn quả tạo bóng mát và giữ độ ẩm, giúp giảm chi phí tưới nước và chăm sóc cho ba kích. Ngoài ra, việc phối hợp trồng nhiều loại cây còn giúp kiểm soát sâu bệnh một cách tự nhiên, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đề tài đã góp phần thay đổi cơ cấu giống cây trồng nói chung cũng như cây dược liệu nói riêng, làm đa dạng hóa sản phẩm. Kết quả xây dựng mô hình trồng cây Ba kích dưới tán cây ăn quả, cây lâm nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị diện tích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đề tài góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là những lao động thuần nông, cao tuổi, hạn chế tình trạng đi lao động trái phép sang nước ngoài (Trung Quốc), ra thành thị làm thuê.
Kết quả thực hiện đề tài đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất cũng như nhận thức, tư duy của người nông dân chuyển đổi từ trồng rừng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ba kích phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có giá trị kinh tế cao, hình thành vùng trồng cây ba kích tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao; hàng trăm lượt nông dân đã được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn khoa học kỹ thuật. Đồng thời, thông qua thực hiện Đề án đã khích lệ ý chí, nghị lực vươn lên thoát đói nghèo, khát vọng làm giàu, ý chí dám nghĩ, dám làm của những người nông dân vùng cao.
Mô hình trồng cây ba kích đã trở thành một trong những mô hình giúp bà con nông dân từng bước thoát nghèo và làm giàu. Đồng thời, các hộ nông dân đã tiếp cận và tham gia phát triển kinh tế tập thể như tham gia HTX Ba kích Tây Yên Tử, xã Thanh Luận, phát triển sản phẩm chế biến từ cây Ba kích thành sản phẩm OCOP.
Phát biểu khai mạc lễ tôn vinh, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: “56 cá nhân được tôn vinh Nhà khoa học nhà nông và 24 nông dân được nhận giải Cuộc thi “Sáng tạo Kỹ thuật Nhà nông” là những điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho trí tuệ, sức sáng tạo, tâm huyết, luôn gắn bó, đồng hành cùng nông dân, cống hiến cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Các cá nhân được tôn vinh và khen thưởng hôm nay thực sự là những bông hoa đẹp, xứng đáng với tên gọi “Nhà khoa học của Nhà nông”; “Nông dân sáng tạo’’.
Theo Ban Tổ chức cho biết: Trong số 56 “Nhà Khoa học của Nhà nông” được tôn vinh năm 2024 có: 37 người có học hàm, học vị là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ; 19 người có trình độ đại học và trình độ khác.
Các Nhà khoa học của Nhà nông được tôn vinh lần này đều có công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và được các cơ quan chức năng chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.
Nguồn: Báo Dân Việt