Bắc Giang: Gỡ khó khâu lưu thông tiêu thụ nông sản

Lượt xem: 158

Dịch Covid-19 tại Bắc Giang đã được kiểm soát song nhiều địa phương trong cả nước dịch bùng phát mạnh. Trong bối cảnh đó, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, ngành chức năng, người dân đang thực hiện các giải pháp hạn chế thiệt hại.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, Bắc Giang bắt đầu có một số sản phẩm cây ăn quả được thu hoạch. Cụ thể, với 3,2 nghìn ha nhãn, sản lượng ước đạt hơn 20 nghìn tấn; 2 nghìn ha na dự kiến cho khoảng 15 nghìn tấn quả. Thời gian thu hoạch các loại quả này tập trung từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9. Bên cạnh đó, đàn lợn đạt hơn 940 nghìn con, đàn gia cầm 20,8 triệu con… Sản lượng cây trồng, tổng đàn vật nuôi đạt cao không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn cho nhiều tỉnh, TP khác trong cả nước.

Một điểm thu mua na tại xã Huyền Sơn (Lục Nam).

Với thị trường nội tỉnh, đa phần các địa phương thuộc vùng bản đồ chống dịch màu xanh nên việc cung ứng sản phẩm cũng như tiêu thụ nông sản tương đối thuận lợi song đưa sang tỉnh, TP khác lại có những trở ngại nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là nhiều thương nhân ở các tỉnh, TP như: Thái Nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn… không đến Bắc Giang thu mua nông sản như trước.

Theo ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), mỗi ngày Bắc Giang có 30-40 chuyến xe (tương ứng 300-400 tấn) vận chuyển lợn sang tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh tiêu thụ, còn ở Hà Nội, Thái Nguyên giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với trước. Nguyên nhân là do phía tỉnh, TP bạn yêu cầu người về từ Bắc Giang phải cách ly hoặc không cho người địa phương khác vào địa bàn nên thương nhân tỉnh ngoài không đến thu mua nữa.

Ngược lại với đàn lợn, tại vùng gà đồi Yên Thế, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, hiện gà thương phẩm vẫn tiêu thụ thuận lợi, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn, tăng hơn so với thời điểm trước dịch. Sở dĩ có tình trạng này là do các chủ thu mua gom gà đã kết nối, “tăng bo” tại các trạm chốt nên vẫn lưu thông được. Với sản phẩm cây ăn quả như na, nhãn do mới đầu vụ thu hoạch và phần lớn khách hàng là người mua buôn tại tỉnh nên giá bán khá cao và đầu ra thuận lợi.

Hiện nay, toàn tỉnh có 3,2 nghìn ha nhãn, sản lượng ước đạt hơn 20 nghìn tấn; 2 nghìn ha na dự kiến cho khoảng 15 nghìn tấn quả. Thời gian thu hoạch tập trung từ nay đến hết tháng 9.

Khảo sát tại vùng na Huyền Sơn, Nghĩa Phương (Lục Nam) cho thấy, một tuần qua, giá na đẹp ở mức 45-50 nghìn đồng/kg, có thời điểm không đủ cung cấp cho khách hàng. Nhãn hiện mới được thu trà sớm, giá ổn định ở mức 14-15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, bắt đầu từ 6 giờ ngày 24/7, TP Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, nhiều xe chở nông sản của Bắc Giang không thể vào Thủ đô. Anh Vũ Tuấn Dũng, chủ một điểm cân na lớn tại thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương cho biết: “Thị trường tiêu thụ na chính là TP Hà Nội. Với việc kiểm soát dịch như hiện nay bước đầu chúng tôi đã gặp khó khăn. Riêng ngày 24/7, lái xe dù đã test Covid-19 song hai chuyến na phải “quay đầu” do TP Hà Nội siết chặt công tác kiểm dịch khiến chúng tôi lỗ nặng”.

Nắm bắt thực tế những vấn đề phát sinh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai phương án ứng phó. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, sau một vụ vải thành công trong gian khó, tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong tiêu thụ nông sản. Qua thực tế cho thấy, nông sản Bắc Giang có sự tín nhiệm cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, na, nhãn của tỉnh chín rải vụ, hình thành nhiều trà; riêng na có tới 45% thu hoạch trái vụ. Đây là lợi thế đối với tiêu thụ nông sản.

Cơ sở chăn nuôi gà tại xã Đồng Tiến (Yên Thế) tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch.

Cơ sở chăn nuôi gà tại xã Đồng Tiến (Yên Thế) tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là khâu vận chuyển. Để gỡ khó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn các biện pháp thực hiện. Trước hết, khuyến cáo tiểu thương cần nắm chắc tình hình phòng, chống dịch ở các địa phương, những thủ tục cần thiết để lưu thông, tránh thiệt hại. Khi đưa nông sản vào thị trường Hà Nội cần đăng ký biển số xe, nơi đến để Sở Công Thương kết nối, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Việc xác nhận lô hàng an toàn Covid-19 sẽ do cấp huyện phụ trách, bảo đảm hàng hóa lưu thông tốt nhất. Cùng đó, tiếp tục khơi thông các thị trường khác thay cho thị trường truyền thống như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn; tăng cường kích cầu tiêu thụ nội tỉnh. Đối với nhãn, có thể đẩy mạnh chế biến tạo long nhãn.

Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục cử cán bộ bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc; khuyến cáo người dân tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ cây trồng, vật nuôi an toàn.

Đi đôi với giải pháp trên, Sở Công Thương tiếp tục khai thác lợi thế của sàn thương mại điện tử, quảng bá, mở rộng thị trường cho nông sản Bắc Giang.

Nguồn: baobacgiang.com.vn