Phát triển nông sản ở vùng cao Sơn Động
06/10/2021 14:06
Sơn Động (Bắc Giang) có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất nông sản mang tính đặc trưng. Thời gian qua, người dân nơi đây đã tích cực mở rộng diện tích, xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện Sơn Động xác định tập trung sản xuất các loại cây dược liệu. Một số loại cây được ưu tiên, khuyến khích là ba kích, nấm linh chi (nấm lim xanh), giống ngải Đài Loan… do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao.
Khu vực nhân giống cây ngái Đài Loan của gia đình bà Hoàng Thị Lý, thôn Mục, xã Dương Hưu
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Lý ở thôn Mục, xã Dương Hưu khi đang chuẩn bị xuất bán mẻ ngải Đài Loan đã được sơ chế, phơi khô sạch sẽ, đóng vào bao tải. Qua trò chuyện, bà Lý cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu làm nghề thu mua dược liệu nhưng từ năm 2016, nhận thấy cây ngải cho hiệu quả kinh tế cao nên đầu tư mở rộng sản xuất. Ban đầu chỉ trồng khoảng 4 sào, sau đó thấy cây hợp đất, gia đình tôi nhân rộng ra, đến nay có khoảng 2ha”. Theo bà Lý, cây ngải Đài Loan khá dễ trồng, mỗi năm cho thu hoạch hai lần, năng suất khoảng 3 tạ/sào/vụ. Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu với giá 20 nghìn đồng/kg khô. Năm 2019, gia đình bà bán được 6 tấn, năm nay do vận động một số hộ khác cùng tham gia trồng nên sản lượng có thể đạt 20 tấn. Khi trồng loại cây này phải thực hiện nghiêm việc sản xuất hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây tồn dư độc hại.
Khảo sát của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho thấy, ngải là loại cây dược liệu mới, thời gian sinh trưởng nhanh, sau khi khai thác hết toàn bộ thân cây, gốc có thể lưu được 3 đến 4 năm mới phải trồng lại. Lợi nhuận sau thu hoạch đạt 60 triệu đồng/ha/vụ. Hiện toàn huyện trồng được 18ha. Năm 2018, UBND huyện giao cho phòng chuyên môn nghiên cứu và thuần hóa được giống tại địa phương, đến nay toàn bộ số giống đã được bà con nông dân chủ động sản xuất.
Ngoài ra, huyện đang triển khai dự án trồng cây ba kích trong vườn tạp tại xã Thanh Luận với quy mô 5 ha. Sau hơn ba năm, cây ba kích trồng trong vườn tạp sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao. Đây là mô hình nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương, khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý một cách bền vững.
Mô hình nuôi ong mật cũng mở ra sinh kế mới bền vững cho người dân. Hiện toàn huyện có gần 18 nghìn đàn ong, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 170 – 180 tấn mật với giá bán bình quân 150 nghìn đồng/lít, cho doanh thu hơn 19 tỷ đồng. Anh Tằng Văn Biên ở xã Vĩnh An là một trong những người có nhiều năm nuôi ong lấy mật ở địa phương. Tận dụng nguồn hoa vải thiều, bạch đàn, keo… năm nay, hơn 600 đàn ong của anh cho mật đều. Mật ong Sơn Động được đánh giá có chất lượng tốt bởi chủ yếu có nguồn gốc hoa rừng tự nhiên, không bị ảnh hưởng từ thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh. Đây cũng chính là thế mạnh để xây dựng thương hiệu mật ong Sơn Động. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, mở rộng đàn ong trên địa bàn có tiềm năng; thành lập các nhóm liên kết, hợp tác xã để ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho người nuôi.
Anh Tằng Văn Biên, xã Vĩnh An kiểm tra sự phát triển của đàn ông mật
Ông Hoàng Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, với xuất phát điểm kinh tế và trình độ dân trí của người dân có nhiều hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu, do đó huyện Sơn Động gặp không ít khó khăn trong phát triển KT-XH. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định, sản xuất nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đã tập trung chỉ đạo và ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới nhằm từng bước nâng cao trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp cho người dân. Trong đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung các cây trồng thế mạnh của địa phương, đưa sản phẩm nông, lâm sản thành hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập. Trong giai đoạn 2017-2020, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được 14 mô hình như vậy.
Hiệu quả bước đầu là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực, phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả.
baobacgiang.com.vn