Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Đổi mới nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho nông dân theo sát nhu cầu thực tế

Lượt xem: 77

Ảnh minh họa nguồn internet

Xác định chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phụ thuộc chủ yếu vào bốn yếu tố cơ bản đó là kinh phí đào tạo; cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề; đội ngũ giáo viên, giáo trình, phương pháp giảng dạy và người học, trong đó người học giữ một vai trò quan trọng. Để người học chủ động, tích cực tham gia các lớp học nghề và phát huy nghề sau mỗi khóa học, ngay từ đầu năm 2011 Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố thống kê nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân. Đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng nhân lực lao động qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, địa phương…Qua đó, xây dựng kế hoạch, phương hướng đào tạo nghề theo ngành nghề cho phù hợp. Cụ thể, khảo sát tại Công ty cổ phần may Bắc Giang, xã Nghĩa Hòa, Tân Thịnh (Lạng Giang), Trung tâm đã mở 02 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 60 học viên theo học với thời gian là 3 tháng. Chương trình giảng dạy được kết hợp giữa giáo trình của Trung tâm và nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Sau khi tốt nghiệp, công ty đã tiếp nhận 55/60 học viên vào làm việc tại công ty với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Đối với nghề mộc dân dụng mở tại xã Mỹ Hà (Lạng Giang), từ nhu cầu thực tế của người học và nhu cầu về lao động của các cơ sở mộc tại địa phương, Trung tâm đã liên kết với cơ sở mộc để học viên được tham gia thực hành, sản xuất tạo ra sản phẩm. Qua đó, nâng cao được tay nghề, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, khuyến khích người học, kết quả 100% học viên tốt nghiệp khá, giỏi đều có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng.

Để thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề nông, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương và nhu cầu về kiến thức khoa học kỹ thuật của học viên. Từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, đảm bảo nội dung và chất lượng theo quy định. Đồng thời hợp đồng với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa vụ bận rộn của nông dân nhưng phải trùng với thời vụ sản xuất của cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, với 4 lớp dạy nghề trồng trọt, Trung tâm mở 02 lớp dạy nghề trồng hoa Ly và Loa kèn cho 60 học viên ở xã Tiên Hưng (Lục Nam), Hương Gián (Yên Dũng), mở 01 lớp dạy kỹ thuật trồng trọt tổng hợp, trọng tâm vào cây dưa với 30 học viên tại xã Quang Tiến (Tân Yên), 30 học viên tham gia lớp dạy nghề trồng cây cảnh ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang). Thời gian học trùng với chu kỳ sinh trưởng của các loại hoa, cây cảnh, các học viên có điều kiện được học, thực hành tại ruộng do đó lớp học đã đạt được kết quả rất khả quan, năng suất và hiệu quả lao động của người nông dân được tăng lên rõ rệt. 100% học viên nắm chắc kiến thức và thực hành có kết quả tại gia đình.

Đối với các lớp dạy nghề chăn nuôi, căn cứ theo nhu cầu học nghề của nông dân, Trung tâm đã mở 05 lớp dạy nghề chăn nuôi cho 155 học viên theo học chuyên về chăn nuôi lợn, gà và bò tại xã Đông Hưng (Lục Nam), Tân An (Yên Dũng), Đại Hóa, Liên Chung (Tân Yên), Quang Thịnh (Lạng Giang). Học viên tham gia học nghề nắm chắc kỹ thuật nuôi, có thể tự nhận biết, phân biệt được các loại bệnh,… trên vật nuôi từ đó có cách phòng ngừa, trị bệnh kịp thời, chủ động trong chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật.

Qua thực tế các lớp dạy và học nghề triển khai năm 2011 đã góp phần tác động đến nhận thức của hội viên, nông dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Đảng và Nhà nước. Học viên trong các lớp học đã thấy được tác dụng của việc học nghề đối với bản thân và gia đình mình. Từ đó họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền cho công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Trung tâm dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các cấp hội, các công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Đồng thời tham mưu cho Thường trực Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân vể các chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách của địa phương về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chủ động phối hợp với các đoàn thể, các phòng ban chuyên môn thống kê nhu cầu học nghề và việc làm của địa phương mình, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân; tham gia giám sát chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn theo quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

Trung tâm dạy nghề