Nghị quyết 130- “Trụ đỡ” cho phát triển kinh tế – xã hội Bắc Giang

Lượt xem: 118

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Thân Văn Khoa (ngoài cùng, bên phải) thăm mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Việt Yên

Bứt phá ngoạn mục

Từ vùng đất chiêm trũng nông nghiệp lạc hậu, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp; Bắc Giang đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc. Nhiều nông, lâm sản làm ra không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho bà con trong vùng, mà còn được xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan…

Đáng chú ý nhất là quả vải thiều Bắc Giang, từ chỗ chỉ là thứ quà quê thì kết thúc niên vụ vải 2017, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – vui mừng thông báo: Tổng doanh thu vải thiều và các hoạt động phụ trợ năm 2017 của Bắc Giang đạt gần 5.306 tỷ đồng – giá trị cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất nên sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt tiêu chuẩn tăng cao, khoảng 40.000 tấn đạt VietGAP; 1.600 tấn đạt GlobalGAP và xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia trên thế giới. Nhờ những trái vải mà nay đã có hàng nghìn hộ dân ở Bắc Giang thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên từ một vụ vải thiều, hàng chục hộ có thu nhập từ 500 – 800 triệu đồng. Kết quả này khiến cả những người trồng vải thâm niên vài chục năm ở Bắc Giang cũng không thể ngờ.

Không chỉ quả vải tạo dấu ấn, năm 2017, tỉnh Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gần 47 nghìn ha, đứng thứ ba toàn quốc. Nhiều loại cây đặc sản di thực từ vùng đất khác về với Bắc Giang đã sai hoa kết trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Hồng, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Canh, na, táo Đài Loan…

Đánh giá về giá trị những mặt hàng nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hạnh – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang – cho biết: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII cũng chỉ rõ, mặc dù công nghiệp là cánh tay đắc lực nhưng nông nghiệp phải là “trụ đỡ” cho công nghiệp phát triển”.

Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của các mặt hàng nông sản, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang luôn trăn trở làm thế nào để đưa Bắc Giang trở thành tỉnh đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp? Đó chính là lý do Nghị quyết 130 được ban hành. Đây được coi là luồng gió mới đánh thức đồng đất chiêm trũng.

Theo tinh thần Nghị quyết 130, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản chủ lực của địa phương, có sự tham gia hợp tác, liên kết của các thành phần kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, năng suất các sản phẩm có lợi thế của tỉnh tăng từ 20 – 30%, giá trị gia tăng tăng từ 20 – 30% so với năm 2016.

Tiếp tục cụ thể hóa thành hành động

Là một trong những người tâm huyết với chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái chia sẻ, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, nhiều cơ chế đã được ban hành “tiếp lực” cho Nghị quyết đi đúng hướng, như: HĐND tỉnh Bắc Giang ban hành Nghị quyết số 46/2016 quy định chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại, hộ gia đình đầu tư mô hình sản xuất rau và hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tối thiểu 2.000m2/mô hình. Với những mô hình có quy mô từ 5.000m2 trở lên được hỗ trợ tới 500 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang còn xây dựng Kế hoạch số 211/KH – UBND về lựa chọn công nghệ và tổ chức triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xem xét, phê duyệt 22 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả, tính đến hết tháng 8/2017, có 5 mô hình đi vào sản xuất, trong đó, 2 mô hình đã được nghiệm thu, gồm: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng quy mô 2.008m2 của HTX Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa. Hiện, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Greenfam Việt Nam; mô hình trồng dưa lưới, dưa leo trong nhà màng quy mô 2.168m2 của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng…

Trong niềm vui bội thu nhờ mô hình trồng dưa lưới nhà màng, ông Nguyễn Văn Nghiệp – Giám đốc HTX Đồng Tâm 3 – hồ hởi: “Vụ đầu tiên, HTX trồng 5.000 cây dưa lưới, sản lượng đạt 6,5 tấn, được doanh nghiệp thu mua hết với giá từ 35.000- 40.000 đồng/kg. Mô hình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ. Đây là mô hình bước đầu đạt kết quả tốt, mở ra hướng sản xuất mới – sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại và bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân”.

Hay như mô hình rau thủy canh được HTX Hoài Long (xã Bích Sơn, huyện Việt Yên) triển khai vào cuối năm 2016 với tổng diện tích thực hiện là 5 mẫu. Đến nay, HTX đã xây dựng 500m2 nhà kính để trồng thủy canh theo công nghệ cao với các loại rau ăn lá và 500m2 nhà kính công nghệ cao tưới nhỏ giọt trồng các loại cây ăn quả. Hiện tại, sản phẩm thu hoạch đã được cung cấp đến các công ty, siêu thị trong nước và được ký hợp đồng xuất sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới. Đích thân ông Thân Văn Khoa – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang – đã thăm và kiểm tra mô hình, ghi nhận nỗ lực của huyện trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Cùng với những cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức các hội nghị đầu bờ, trực tiếp đánh giá hiệu quả của Nghị quyết tại các cánh đồng mẫu điển hình về công nghệ cao trên địa bàn. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy còn chỉ đạo các huyện, tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và nông dân khi thực hiện Nghị quyết 130.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 130, người nông dân đã thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới, áp dụng khoa học công nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả tích cực, không chỉ lãnh đạo mà cả người dân Bắc Giang tin tưởng, một ngày không xa nơi đây sẽ trở thành “thủ phủ” nông sản công nghệ cao quy mô và hiệu quả nhất miền Bắc.

Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là nội dung mới, vốn đầu tư cao nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Các mô hình xây dựng cần thành lập HTX, hình thành chuỗi sản xuất có quy trình chung để bảo đảm chất lượng đồng đều, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Theo baocongthuong.com.vn