“Ngày mới” ở Thanh Hải

Lượt xem: 85

Mô hình trồng cam đường Canh và bưởi Diễn của gia đình anh Đặng Văn Tiến ở thôn Đức Chính – Thanh Hải

Con đường nhựa phẳng lì từ thị trấn Chũ đưa chúng tôi vào trung tâm xã Thanh Hải, dọc hai bên đường, nhiều căn nhà mới 2 – 3 tầng được xây dựng theo kiểu cách hiện đại nằm xen giữa vườn cây trái xum xuê. Nếu như trước kia, thời điểm này cả xã Thanh Hải chỉ có một màu xanh của cây vải thiều, thì nay đã có thêm nhiều vườn trồng bưởi Diễn, cam đường Canh. Đây là hai loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, mới được người dân phát triển ra diện rộng. Cũng nhờ nguồn thu từ bưởi Diễn và cam đường Canh mà hàng chục chủ vườn nơi đây đã nhanh chóng trở thành triệu phú.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Trần Thanh Bình phấn khởi cho biết: “Trong 5 năm qua, xã Thanh Hải đã vận động nhân dân chuyển đổi được hơn 100 ha diện tích vải thiều kém chất lượng sang trồng các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao hơn như cam đường Canh, bưởi Diễn, nhãn lồng, xoài, táo Đài Loan, trong đó diện tích cây có múi chiếm hơn 40 ha. Năm 2010, tổng giá trị thu nhập từ cây ăn quả các loại của xã đạt 44,7 tỷ đồng (tăng 17,5 tỷ đồng so với năm 2009) và đây cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của nhân dân”.

Thanh Hải là một trong những xã có diện tích rộng nhất của huyện Lục Ngạn. Xã có đến 39 thôn bản với 14.265 nhân khẩu. Là xã thuần nông, những năm trước kia, Thanh Hải cũng đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi – cây vải thiều. Tuy nhiên do trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn nhiều hạn chế nên sản phẩm nông nghiệp làm ra có sức cạnh tranh chưa cao, giá thành thấp, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước thực trạng đó, năm 2005, Đảng bộ xã Thanh Hải đã tập trung thảo luận, tìm cách tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời đưa ra nhận định trong phát triển kinh tế: cây ăn quả được coi là kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tiếp đến là phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hộ gia đình. Từ nhận định đó, xã đã lựa chọn Chương trình “Phát triển đa dạng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm cây ăn quả” là một trong hai chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm trong 5 năm (2005 – 2010).

Để triển khai thực hiện hiểu quả chương trình này, Đảng uỷ xã đã phát huy sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ 13 năm liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, một mặt: Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn thực hiện cuộc vận động với phát triển kinh tế; đồng thời chỉ đạo UBND xã điều hành giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng thôn bản về tập trung thâm canh nâng cao chất lượng quả vải (sản xuất vải thiều VietGAP) và chuyển dịch cơ cấu cây ăn quả. Mặt khác chỉ đạo mỗi ngành, đoàn thể chọn ra một mô hình kinh tế hiệu quả để tuyên truyền, vận động nhân dân nhân ra diện rộng.

Chủ trương đúng đắn hợp lòng dân được Đảng uỷ xã triển khai thực hiện như dòng sông đang chảy được khơi nguồn, tạo nên sức mạnh đưa Thanh Hải bức phá vươn lên trở thành xã năng động vào bậc nhất của huyện Lục Ngạn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây ăn quả. Trong 5 năm qua, các đoàn thể chính trị – xã hội trong xã đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn quả cho nhân dân. Cùng đó, phong trào làm giao thông, thuỷ lợi được duy trì thực hiện hiệu quả như: tu sửa, trải cấp phối và bê tông hoá hàng chục km đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và tiêu sản phẩm cây ăn quả; Nâng cấp và khôi phục hệ thống kênh mương chính dài hơn 9 km dẫn nước từ hồ đập Khuôn Thần về tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất lúa và cây ăn quả thuận lợi.

Tính đến hết năm 2010, xã Thanh Hải đã có 976,4 ha cây ăn quả các loại (tăng 6 ha so với năm 2005), trong đó diện tích vải thiều chiếm hơn 766 ha. Hàng chục ha vải thiều đã được nhân dân tổ chức sản xuất theo quy trình sản xuất vải thiều sạch an toàn (VietGAP) cho giá trị kinh tế cao. Năm 2010 sản lượng vải thiều tươi của xã ước đạt 7.000 tấn trị giá 42 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2005. Đặc biệt xã Thanh Hải đã vận động nhân dân chuyển đổi được diện tích hơn 100 ha vải thiều kém chất lượng sang trồng các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao hơn như: bưởi Diễn, cam đường Canh, nhãn lồng, xoài, táo Đài Loan… . Nhờ thế, xã đã phá được thế độc canh cây vải thiều, diện tích chuyển dịch dần sang các loại cây ăn quả khác, trong đó hàng chục ha bưởi Diễn, cam đường Canh đã bắt đầu cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với vải thiều. Chỉ tính riêng nguồn thu nhập từ hai loại cây này mà ở Thanh Hải đã có cả chục gia đình đã đạt mức thu từ 200 triệu đến cả tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như trang trại của gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn ở thôn Kim Thạch, cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng; gia đình anh Đặng Văn Tiến ở thôn Đức Chính thu gần 1 tỷ đồng; anh Trịnh Ngọc Nam cũng ở thôn Kim Thạch thu hơn 500 triệu. Và các hộ gia đình anh Đặng Văn Thuấn ở thôn Đức Chính; chị Lưu Thị Lan ở thôn Tân Trường; ông Trần Văn Trụ ở thôn Xẻ Mới; ông Phạm Thanh Cảnh ở thôn Trại Giữa… .

Năm 2010, xã Thanh Hải đã có 1.366 hộ được bình xét đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Mức thu nhập bình quân tính theo đầu người đạt hơn 6 triệu đồng/năm (tăng gấp đôi so với năm 2005).

HNDVN