Trồng cam làm giàu

Lượt xem: 96

Thời điểm này, khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng vẫn tấp nập đưa ô tô vào tận vườn để mua cam. Những quả cam Vinh chín vàng rọi, thơm lừng, vừa mới được cắt ở vườn về đang được tiểu thương xếp vào hộp, chất lên xe để chở về thành thị. Giá thu mua cam Vinh tại vườn đã được 23 nghìn đồng/kg, cao hơn 5 nghìn đồng/kg so với vụ năm trước nên chị Chiến rất phấn khởi.

Chị Nguyễn Thị Chiến ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc

kiểm tra vườn cam Canh đang chuẩn bị thu hoạch.

Năm nay, gia đình chị Chiến có ba mẫu cây ăn quả có múi được thu hoạch, trong đó có 1 mẫu trồng cam Vinh và 2 mẫu trồng cam Canh. Vụ này, do điều kiện thời tiết thuận lợi cộng với việc chăm sóc đúng khoa học kỹ thuật nên năng suất cam đạt cao, gia đình chị đã thu về khoảng 10 tấn quả cam Vinh và 20 tấn cam đường Canh, tổng trị giá đạt hơn 1 tỷ đồng.

Mặc dù sống trên mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng gia đình chị Chiến luôn năng động trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, tìm hướng làm giàu. Vào năm 2005, khi cây vải thiều còn đang cho thu nhập khá, chị Chiến đã bàn với Chồng, quyết định phá bỏ toàn bộ đồi vải thiều, rồi đầu tư thêm 60 triệu đồng nữa để mua cây giống và thuê máy xúc về cải tạo lại vườn đồi để trồng cam. Với sự quyết đoán và táo bạo đó đã khiến cho nhiều người dân địa phương phải e ngại. Tuy nhiên chỉ mất ba năm đầu vất vả tập trung vào chăm sóc, đất đã chẳng phụ công người. Trên quả đồi cằn khô sỏi đá, vậy mà những cây cam đường Canh vẫn vươn lên xanh tốt, cho quả sai trĩu cành, chất lượng quả thơm ngon chẳng kém gì ở vùng thấp mà thậm chí còn ngon hơn.

Cũng nhờ vào sự nhạy bén, năng động, gia đình chị Nguyễn Thị Chiến đã trở thành tỷ cam trên đất vùng cao, được nhiều người dân trong thôn học tập làm theo. Tâm sự với chúng tôi, chị Chiến cho biết: “Muốn chăm sóc cam bán sau Tết được giá thì trong quá trình chăm sóc cần điều chỉnh lượng phân bón cho cây hợp lý để vỏ quả cam dầy hơn. Quả cam đường Canh đạt chất lượng thì mã phải đỏ, cùi ăn ngọt và giòn tan; còn cam Vinh và bưởi Diễn chín có màu vàng tươi, ăn ngon ngọt và có vị thơm đặc trưng riêng”.

Gần đó, gia đình anh Bùi Xuân Chỉnh cũng được coi là hộ trồng cam Canh giỏi của vùng. Anh Chỉnh vốn là một trong những người đầu tiên thực hiện việc đưa cây cam đường Canh lên đất đồi rừng trồng thay thế cho diện tích vải thiều kém chất lượng. Vụ này, vườn cam Canh rộng 1,2 mẫu có 700 cây cho thu hoạch, anh dự kiến thu về khoảng 12 tấn quả. Với giá đã bán chốt 47 nghìn đồng/kg cả vườn sẽ cho thu nhập hơn 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí về công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn lãi được hơn 400 triệu.

Để có được vườn cam Canh sai trĩu quả, cách đây gần chục năm, anh Bùi Xuân Chỉnh đã đánh liều – phá bỏ vải thiều trên đồi và đưa giống cam Canh từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên về trồng khảo nghiệm. Nhưng sản xuất cam đường Canh trên đất đồi quả thật không đơn giản, gia đình anh đã phải loay hoay, chật vật mất 5 năm đầu, năm cũng đầu tư thuốc trừ sâu, phân bón và công chăm sóc nhưng vườn cam chẳng những không cho quả mà cây còn mắc bệnh gân xanh lá vàng chết mất khá nhiều. Không hề nản chí, một mặt anh Chỉnh đi đến các vườn cam Canh ở trong và ngoài huyện học tập kinh nghiệm, mặt khắc anh tự đúc rút kỹ qua các năm chăm sóc để tìm ra căn nguyên làm sao vườn cam nhà mình không cho quả. Nhờ sự năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, anh đã dần làm chủ khoa học kỹ thuật và sản xuất cam canh thành công trên đất khó. Theo đó, trong bốn năm gần đây, năng suất và sản lượng Cam đường Canh của gia đình anh cho thu hoạch năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Nhận thấy mình đã có kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc cam canh nên vừa qua, anh Chỉnh đã quyết định phá bỏ 2 mẫu vải thiều kém chất lượng nữa rồi tiếp tục mua giống cam canh về trồng.

Nhờ việc chuyển dịch cơ cấu cây cây trồng hiệu quả mà thôn Đồng Quý vốn nghèo khó và heo hút khi xưa giờ đã trở nên sôi động. Hàng chục hộ dân trong thôn đã trở thành triệu phú với mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Nguồn HNDVN