CÁN BỘ HỘI LÀM GIÀU TỪ MÔ HÌNH TRỒNG CÂY ĂN QUẢ

Lượt xem: 93

Vốn là cử nhân Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, sau khi tốt nghiệp, anh Đoàn tìm được một công việc phù hợp tại Hà Nội. Nhưng với niềm đam mê và yêu thích nông nghiệp, anh đã quyết định từ bỏ nơi phồn hoa đô thị về quê lập nghiệp. Qua trao đổi với anh, chúng tôi được biết, để có mô hình kinh tế hiệu quả như hiện nay, anh đã phải trải qua một quá trình vô cùng gian nan, vất vả.

Một góc mô hình trồng cây ăn quả hộ anh Nguyễn Văn Đoàn.

Năm 2012 trở về quê, anh bắt tay vào thực hiện dự định của mình. Và anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng internet, các chương trình truyền hình và thăm quan thực tế các mô hình cho hiệu quả cao ở địa phương, thậm chí vào cả miền Nam để tìm loại cây trồng thích hợp. Qua đó, anh biết đến cây chanh tứ mùa xuất xứ Đà Lạt, được một số hộ dân ở Hàm Yên (Tuyên Quang) trồng thành công, mang lại giá trị kinh tế cao và đặc biệt có thể phát triển tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phù hợp thị hiếu thị trường. Bởi vậy năm 2013, anh quyết định lên Tuyên Quang mua 300 cành Chanh giống với giá 70.000/cành về trồng.

Qua trao đổi anh cho biết: ” những ngày mang chanh về trồng là những ngày khó khăn. Để có đất trồng, tôi phải phá hơn 1ha vải thiều và đầu tư hơn 300 triệu đồng từ nguồn vốn của gia đình và vay anh em, họ hàng. Đầu tư thì nhiều, trong khi hiệu quả chưa biết thế nào cho nên mẹ tôi không ủng hộ. Thời gian đó, tôi và bố phải tìm cách tránh mẹ, sáng chiều đi làm, trưa về ăn cơm xong hai bố con lại đi làm ngay vì ở nhà nhìn thấy, mẹ lại cằn nhằn…”.

Không dừng lại ở đó, chứng kiến nhiều hộ dân ở địa phương bỏ ruộng không cấy, anh quyết định thầu 2ha đất ruộng, sau đó dồn đổi để mở rộng diện tích trồng cây. Với 2ha ruộng mới thầu, trong lúc chưa nhân được giống chanh, anh cho trồng đu đủ và 1 phần diện tích trồng táo Đài Loan. Vừa trồng vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa mở rộng diện tích và trồng thêm những loại cây khác. Đến nay gia đình anh có khoảng 3 mẫu táo, 1 số diện tích trồng nhãn, hơn 3 mẫu chanh (khoảng hơn 2000 cây). Năm 2014, mặc dù chanh chưa được thu nhưng từ cây táo, nhãn, đu đủ, gia đình anh đã thu được 550 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Mặc dù vậy anh vẫn xác định cây chanh là cây trồng chủ lực trong mô hình. Anh chia sẻ, lý do anh chọn chanh tứ mùa xuất xứ Đà Lạt vì giống chanh này rất thơm, năng suất cao, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Bệnh của chanh cơ bản chỉ có rỉ sắt, nhện đỏ, vẽ bùa… Mỗi năm cây ra 10 lần lộc tương ứng với 10 lượt ra hoa, quả. Việc chăm sóc cây chanh cũng dễ, vì cây ra hoa, quả quanh năm cho nên bón lúc nào cũng được cứ thấy cây hết chất dinh dưỡng là bón. Chanh phát triển rất nhanh, cây 3 năm tuổi có thể cho 1 tạ đến hơn 1 tạ quả/năm với giá bán từ 20-30.000đ/kg. Chanh ra trái vụ cho nên tiêu thụ lại dễ, tư thương đến tận nhà thu mua, chỉ lo không có chanh để bán… Bên cạnh cung cấp quả, gia đình anh còn cung cấp Chanh giống cho nhân dân trong và ngoài vùng với giá 50.000đ/cành. Bởi vậy năm 2015, dù mới bắt đầu cho thu nhập, nhưng vườn chanh đã mang lại cho gia đình hơn 200 triệu đồng và hứa hẹn một, hai năm tới sẽ cho thu nhập cao.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đoàn còn tích cực tham gia công tác hội và các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm với hội viên nông dân. Từ hiệu quả đạt được, mô hình kinh tế của anh được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và khuyến khích nhân rộng.

Trường An