NHÂN RỘNG CÁC GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN

Lượt xem: 124

Xác định thi đua là nhân tố quan trọng, động lực của sự phát triển và chỉ thực sự thành công khi từng con người cụ thể tự giác, tích cực hưởng ứng. Chính vì vậy, trong những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã luôn chủ động đổi mới nội dung, bám sát nhiệm vụ của Hội, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từng bước đa dạng hóa các hoạt động, thu hút sự “vào cuộc” của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và tạo thành “làn sóng” thi đua mạnh mẽ ở các phong trào trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Do đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, họ là những cán bộ, hội viên năng động, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong các hoạt động và dám đương đầu với những khó khăn như anh Trần Văn Hành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) – một cán bộ Hội xuất sắc và là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu – người sáng tạo ra giải pháp cho vải ra quả trên thân mang lại hiệu quả kinh tế cao; hay như chị Nguyễn Thị Chung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Vĩ (Yên Thế) – chủ động vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp tiền, ngày công xây dựng hơn chục lò đốt xử lý rác thải, chị Lương Thị Diện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Đa Mai (TP Bắc Giang) – tích cực phát triển HTX rau an toàn, anh Nguyễn Văn Thuận – Chi hội phó Chi hội nông dân Lãng Sơn (Yên Dũng) – tích cực trong dồn điền đổi thửa để xây dựng mô hình phát triển sản xuất….Và còn rất nhiều những điển hình tiên tiến khác trong hơn 200.000 cán bộ, hội viên và trên 110.000 hộ nông dân SXKD giỏi trong toàn tỉnh.

Các đại biểu tham gia tọa đàm tại Hội nghị

Và từ các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giàm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn như mô hình chăn nuôi lợn kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Tứ (Lương Phong – Hiệp Hòa) cho thu nhập hơn 10 tỷ đồng/năm; mô hình trồng cam Đường Canh, cam Vinh của anh Vũ Duy Kiệm (Tân Mộc – Lục Ngạn) cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm, hay mô hình chăn nuôi gà với số lượng từ 3000-5000 con/lứa của anh Lương Văn Liệu (Tiến Thắng – Yên Thế) cho thu nhập 500 triệu đồng/năm…Ngoài ra, nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn tích cực tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, thành lập nhiều tổ liên kết và tiêu thụ nông sản, tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác liên kết tiêu thụ rau chế biến tại xã Đông Phú (Lục Nam), tổ liên kết chăn nuôi lợn thịt xã Lan Giới (Tân Yên), HTX Thủy sản Thái Đào (Lạng Giang)…Cũng trong thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân đã tìm tòi, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những giải pháp có tính mới, tính hiệu quả và khả năng áp dụng rộng rãi trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ông Tô Quang Dần (Đông Phú, Lục Nam) với giải pháp “Thuần hóa vịt trời thành vịt nuôi“; ông Quách Văn Dũng (Hợp Thịnh, Hiệp Hòa) với giải pháp “Sáng chế thiết bị băng tải tự hành“; ông Nguyễn Đức Thành (Nhã Nam, Tân Yên) với giải pháp “Công cụ bón phân viên dúi đồng thời với gieo sạ lúa“…Họ không chỉ là những tấm gương nông dân xuất sắc trong phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức hội mà còn là những điển hình tiêu biểu trong phong trào “Tương thân tương ái”, 5 năm qua hội viên nông dân đã đóng góp được hơn 27.787,71 triệu đồng, 517.388 con giống, 1.222.476 cây giống, 215.784 ngày công và cung ứng trên 32.603,3 tấn phân bón theo phương thức trả chậm giúp đỡ hội viên nghèo, điển hình như: ông Lục Văn Tôn – xã Tân Quang – Lục Ngạn cho 02 hộ vay 15 triệu đồng không lấy lãi và cung ứng cá giống theo phương thức trả chậm; ông Triệu Thanh Nga – xã Mai Trung – Hiệp Hòa giúp đỡ 5-6 hộ nghèo về khoa học kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi và hàng nghìn gà giống theo phương thức trả chậm…

Đặc biệt, từ các phong trào đã khích lệ cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” và đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu ngày công làm mới, sửa chữa và nâng cấp hơn 7.436 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, nâng cấp 3.825 km kênh mương nội đồng. Phong trào vận động nông dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hoá, làm các công trình phúc lợi dân sinh được nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả, toàn tỉnh đã có hơn 400 nghìn m2 đất được nông dân đóng góp phục vụ các mục đích công cộng, cụ thể: huyện Yên Thế đã vận động 2.955 hộ nông dân hiến đất 15.058 m2 đất; huyện Lạng Giang đã huy động được gần 10.000 m2 đất dành cho xây dựng nông thôn mới; TP Bắc Giang có 81 hộ nông dân hiến đất với diện tích là 1.898,5 m2 làm đường giao thông… Nhiều thôn, làng đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, trạm bơm và nhà văn hoá… tạo nên một diện mạo mới ở các làng quê trong thời kỳ đổi mới…

Phải khẳng định rằng, phong trào thi đua yêu nước ở các cấp hội trong những năm qua đã thu hút hàng triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” có sức lan tỏa lớn. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các phong trào thi đua yêu nước, thời gian tới các cấp hội tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chú trọng hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua ở các cơ sở Hội. Tiếp tục đẩy mạnh 03 phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững“. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các ngành, địa phương để giúp nông dân về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phan Thị Thu Hiền

Chánh Văn Phòng