Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Lượt xem: 115

Thứ nhất: thực hiện lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp

– Về trồng trọt, tập trung lựa chọn, đưa các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ, kỹ thuật hạt nhân để tạo ra và đưa vào sản xuất các giống mới đột biến giá trị cao đối với cây trồng chủ lực của địa phương; thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGap, GlobalGap,…) và công nghệ canh tác sạch; ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước; sử dụng công nghệ sản xuất trong nhà lưới, nhà kính; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân bón thế hệ mới và công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; quan tâm công nghệ quản lý, xử lý thông tin.

– Về chăn nuôi, quan tâm ứng dụng công nghệ cao trong tuyển chọn, lai tạo giống vật nuôi, nghiên cứu nhập khẩu giống mới có năng suất, chất lượng cao; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, bán công nghiệp, công nghiệp gắn với giết mổ tập trung; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến (VietGap,…) và tự động hóa trong khâu chăm sóc; sử dụng công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, hệ thống ăn uống tự động; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học; ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải bằng công nghệ hầm biogas, đệm lót sinh học và công nghệ trong phòng chống dịch bệnh.

– Về thủy sản, nâng cao chất lượng giống thủy sản; mở rộng các vùng thủy sản tập trung, nuôi thâm canh, áp dụng quy trình VietGap; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh.

– Về lâm nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giống mới, đưa các giống sản xuất bằng phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô tế bào vào trồng rừng sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch; trồng rừng thâm canh, rừng gỗ lớn; áp dụng công nghệ chế biến gỗ tiên tiến.

Thứ hai: đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao; tăng cường tổng kết kinh nghiệm sản xuất ở địa phương; chủ động hợp tác quốc tế để chọn giải pháp công nghệ có hiệu quả

Đổi mới việc lựa chọn nhiệm vụ khoa học – công nghệ có sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ tiến độ nghiên cứu và công tác đánh giá nghiệm thu. Ưu tiên các nhiệm vụ gắn với dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung vào việc chuyển đổi giống cây trồng,vật nuôi, nhất là các loại giống mới có lợi thế vượt trội; việc cải tiến kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh, sử dụng công nghệ sạch, công nghệ phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch chế biến nông sản. Tạo điều kiện phát triển thị trường công nghệ, tăng cường hỗ trợ các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm tập huấn về các quy định, tiêu chuẩn sản xuất.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự tổ chức nghiên cứu, chuyển giao hoặc hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tăng cường tổng kết thực tiễn, đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn để nhân diện rộng. Chú trọng công tác tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về lựa chọn công nghệ cao, xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quan tâm hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, trong quảng bá tiềm năng, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba: xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa tích tụ ruộng đất; sớm nghiên cứu cơ chế thuê ruộng đất ổn định, lâu dài. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách kích cầu đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Xây dựng một số chương trình tín dụng phù hợp (mức vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay, điều kiện thế chấp…) phục vụ sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là đối với lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, ưu tiên mô hình có liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, chế biến với nông dân đầu tư theo quy hoạch.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, giao thông, điện nông thôn…) và có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện và khả năng; ưu tiên hỗ trợ mở rộng các mô hình trang trại, gia trại. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư: thực hiện tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất an toàn

Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phù hợp yêu cầu hiện nay, bảo đảm tầm nhìn dài hạn; khẩn trương xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh và báo cáo, đề xuất bổ sung vào quy hoạch cả nước để tranh thủ chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương. Từ đó, tổ chức công bố công khai, quản lý theo quy hoạch và có lộ trình khả thi để xây dựng hệ thống tiêu chí liên quan.

Tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, hiệp hội sản xuất, hiệp hội ngành hàng; đổi mới hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hộ quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ năm: tăng cường quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thông tin dự báo định hướng sản xuất; chủ động ban hành các chính sách, các quy định, quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường quản lý sản xuất, cung ứng giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các chế phẩm, hóa chất độc hại, chất cấm trong sản xuất và bảo quản nông sản.

Làm tốt công tác thẩm định, đánh giá công nghệ cao áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn. Quan tâm phổ biến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên về lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thứ sáu: phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng liên kết chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Quan tâm hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu chọn lựa một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh vượt trội của địa phương để xây dựng các tiêu chí cần thiết đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương. Chú trọng phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, quảng bá, đa dạng hình thức bán hàng trực tuyến. Quan tâm xây dựng mối liên kết giữa tỉnh Bắc Giang và các tỉnh trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp để tăng cường năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo sự phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ bảy: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Các cấp, các ngành, cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người nông dân về các quy định chất lượng sản phẩm theo thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập quốc tế; xác định rõ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là khâu then chốt, tạo bước đột phá trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống người nông dân và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng các hoạt động tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu.

Làm tốt công tác vận động nông dân tích cực tham gia các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tuân thủ các quy hoạch, quy trình, quy chuẩn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mở rộng mạng lưới thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, các mô hình và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả để người dân tham khảo học tập và vận dụng./.