Nông dân vui ca hát

Lượt xem: 90

Được hát là vui khỏe, tươi trẻ

Bà Dương Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Yên gắn bó với hoạt động Hội đã 16 năm. Bà kể: Nông dân hát đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần hấp dẫn. Mỗi khi Hội Nông dân huyện tổ chức hội thi, hội diễn, hội nghị thường kỳ đều không thể thiếu lời ca, tiếng hát của hội viên. Còn những ngày lễ, hội hè, thậm chí cả đám cưới trong làng, bà con đều muốn hát cho nhau nghe, biểu diễn cho nhau xem tiết mục “cây nhà lá vườn”. Khi biểu diễn hay tập luyện thấy họ đều say sưa, tinh thần khoan khoái, như trút được mọi nỗi buồn phiền.

Đội Văn nghệ Chi hội Nông dân thôn Cầu Đồng 9, xã Ngọc Lý biểu diễn.

Đội Văn nghệ Chi hội Nông dân thôn Cầu Đồng 9, xã Ngọc Lý biểu diễn.

Xã Ngọc Lý có 12 đội văn nghệ ở 12 chi hội. Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã từng là diễn viên đoàn Chèo Hà Bắc rất say mê âm nhạc. Ngoài nhạc trẻ, nhạc đỏ, ông còn cùng với nông dân dàn dựng nhiều tiết mục dân ca quan họ, chèo, chầu văn tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện, hội thi trong huyện, trong tỉnh. “Với hơn 300 hội viên ở đủ các lứa tuổi luôn nhiệt tình, hăng hái; trang phục, đạo cụ được sắm đầy đủ, nông dân Ngọc Lý chúng tôi sẵn sàng đi biểu diễn bất cứ lúc nào”-ông Khương quả quyết.

Được biết, tranh thủ buổi trưa, tối hay những lúc nông nhàn, các hội viên còn thường xuyên đến Nhà văn hóa để tập luyện. Chỉ là hát cho nhau nghe, sửa cho nhau từng lời ca, điệu múa mà cũng say sưa quên cả thời gian. Tại đây tôi được gặp bà Trần Thị Cúc -người “chị cả” của CLB Văn nghệ Chi hội Cầu Đồng 9. Ở tuổi 72 nhưng bà vẫn hăng hái, giọng trong trẻo, được các hội viên yêu quý phong cho là “nghệ nhân”. Từng có nhiều năm tham gia thanh niên xung phong, cũng được đi học bồi dưỡng về âm nhạc, bà thường dàn dựng các vũ điệu gắn với bài hát nhạc đỏ nổi tiếng như “Cô gái mở đường”; “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”; “Trên đỉnh Trường Sơn”… Đặc biệt bà có năng khiếu dàn dựng các tiết mục chèo, chầu văn như: Những cô gái Việt Nam; Hòn ngọc Viễn đông. Mỗi khi đi thi ở đâu, CLB Cầu Đồng 9 đều đa dạng tiết mục và giành giải cao.

Bà tâm sự: “Tham gia văn nghệ nếu bảo được gì về vật chất thì không có. Chúng tôi tự nguyện góp tiền mua trang phục, đạo cụ, ăn uống, thậm chí thuê xe ô tô đi biểu diễn ở xa. Quan trọng là được sức khỏe. Cứ được hát, được múa, đi đây đi đó giao lưu là thấy vui khỏe, tươi trẻ. Thậm chí trong cuộc sống có khúc mắc với ai, ra làm vài bài hát là… huề”.

Ở Tân Yên còn có nhiều CLB văn nghệ nổi tiếng như: Hát ống Liên Chung; chèo làng Hạ, thị trấn Cao Thượng… mà các diễn viên, nhạc công, tay đàn, tay trống đều là những hội viên nông dân.

Nông thôn mới – bệ đỡ phong trào văn nghệ

Sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, diện mạo làng quê Tân Yên đã có những chuyển biến tích cực. Không chỉ đời sống vật chất mà đời sống tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Với hơn 38 nghìn hội viên nông dân, toàn huyện hiện có 103 CLB văn nghệ và hơn 200 đội văn nghệ của riêng nông dân. Với đặc thù ở nhiều lứa tuổi, cả nam nữ, già trẻ nên khi tổ chức dễ đa dạng các tiết mục.

Nông dân xã Việt Lập biểu diễn văn nghệ.

Nông dân xã Việt Lập biểu diễn văn nghệ

Mặc dù không có kinh phí hỗ trợ của cấp trên, hoạt động văn nghệ cơ bản là các hội viên tự đóng góp nhưng ai nấy đều hào hứng, là món ăn tinh thần khi bước vào hội nghị, trong giờ giải lao. Hầu như năm nào, xã, huyện cũng tổ chức được Hội diễn văn nghệ nông dân.

Nếu vì lý do khách quan, Hội đều tham mưu tổ chức hội thi tuy tên gọi khác nhưng văn nghệ là một trong 4 phần thi bắt buộc. Các hoạt động giao lưu văn nghệ giữa các chi hội trong huyện, theo cụm, theo xã cũng thường xuyên diễn ra. Đơn vị nào cũng có ít nhất một tiết mục tủ, tự thiết kế trang phục. Những buổi tập luyện, biểu diễn là cơ hội để nông dân gặp gỡ, hàn huyên, vừa thể hiện tài năng văn nghệ, vừa giao lưu, kết nối với các đơn vị khác.

Văn nghệ quần chúng của nông dân đã từng bước phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Trước kia muốn biểu diễn phải cần nhiều thời gian tập, thuê đạo diễn, trang phục, đạo cụ, trời mưa hay nắng to là phải tạm dừng. Nhưng nay, nhờ xây dựng nông thôn mới, thiết chế văn hóa được đầu tư bài bản. 100% thôn, xã có nhà văn hóa. Điện sáng, loa to, vòm có mái che, hệ thống tăng âm, loa đài, sân khấu trong nhà, ngoài trời rộng rãi, bà con chỉ cần mở điện thoại tập theo tiết mục tải về từ Internet, thêm chút sáng tạo là đã có tiết mục mới hấp dẫn.

Hoạt động văn nghệ của nông dân đã tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tình làng, nghĩa xóm theo đó cũng được gắn kết hơn.

Nguồn: baobacgiang.com.vn