GƯƠNG NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI

Lượt xem: 122

Sinh năm 1971, tại vùng quê có truyền thống nghề thuần nông, nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, khi nhà nước có chủ trương dồn điền đổi thửa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cộng với động viên và hướng dẫn nhiệt tình của Hội nông dân thị trấn, anh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa một vụ cho hiệu quả kinh tế thấp và đấu thầu thêm những diện tích đất công ích của tổ dân phố để xây dựng mô hình chăn nuôi. Với quy mô là 5 ha mặt nước, anh Nghiên không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất như lắp đặt hệ thống phun nước tạo khí tự động cho 5 ha nuôi trồng thuỷ sản; sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời để phun nước làm mát và quạt thông gió trong nhà trang trại chăn nuôi chim.

Với sự cần cù, chịu khó, anh Nghiên đã không quản ngày đêm, miệt mài lao động, không ngừng sáng tạo, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Không chỉ vậy, anh còn tích cực đi thăm quan học tập kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi khác để tìm hướng chăn nuôi hiệu quả. Đồng thời, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của Hội nông dân thị trấn Tân An nên mô hình nuôi trồng thuỷ sản của anh đã được đền đáp. Hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất kinh doanh này đã giúp anh có thu nhập ổn định và từng bước làm giàu. Hiện nay, với quy mô là 5 ha mặt nước chăn nuôi đã cho thu hoạch cá các loại với sản lượng trung bình là 37 tấn/năm, với giá bán trung bình ở mức 50.000 đồng/kg, doanh thu đạt 1,85 tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ nuôi trồng thuỷ sản được 550 triệu đồng.

Ngoài việc đầu tư chăn nuôi thủy sản, anh Nghiên còn mạnh dạn đầu tư nuôi gia cầm theo hướng đi mới. Nhận thấy chim bồ câu là con vật có khả năng cho phát triển kinh tế cao, anh Nghiên đã mạnh dạn đầu tư quy mô lớn trang trại chăn nuôi kết hợp với nuôi thủy sản. Anh đầu tư hệ thống chuồng trại rộng lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện để chăm sóc đàn chim. Ban đầu, việc nuôi chim bồ câu gặp không ít khó khăn, song anh không nản chí, tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật nuôi, ấp chim bồ câu cùng các tập tính của loài chim này nhằm nâng cao năng suất và khai thác tối đa hiệu quả mà chúng mang lại. Để đàn chim sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh định kỳ, anh phòng bệnh cho đàn chim và vệ sinh khử trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh thường xuyên. Sau một thời gian không ngừng tìm tòi, học hỏi, đến nay gia đình ông đã gây dựng được đàn chim có quy mô 5.000 đôi chim bố mẹ, mỗi năm cho ra 45.000 đôi chim thương phẩm bán với giá nhập trung bình là 120 000 đồng/đôi, doanh thu đạt 5,4 tỷ đồng/năm, thu nhập đã trừ chi phí đạt 650 triệu đồng/năm. Cùng với chăn nuôi thủy sản và chim bồ câu, tổng thu nhập đã trừ chi phí cho cả mô hình sản xuất kinh doanh của anh Nghiên đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Thông qua mô hình chăn nuôi của gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ là 19 lao động với mức lương trung bình cho các lao động là từ 6,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời đã tạo công ăn việc làm cơ bản ổn định cho 5 lao động với mức 5 triệu đồng/người/năm. Chính vì vậy mà gia đình anh từ một hộ nghèo năm 2015 đến nay đã vươn lên thoát nghèo và kinh tế ngày một phát triển khấm khá hơn.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế cho gia đình mình, anh Nghiên cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân xã tổ chức. Hằng năm, gia đình anh cung cấp chim giống cho các hộ trong và ngoài xã có nhu cầu xây dựng mô hình; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ con giống và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con địa phương. Đến nay, đã có 44 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được anh Nghiên hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật và con giống, từng bước đi lên thoát nghèo.

Trong cuộc sống gia đình anh rất tích cực tham gia các phong trào do huyện, xã, tổ dân phố phát động như ủng hộ Tổ dân phố 20 triệu đồng đổ đường bê tông và xây dựng trung tâm văn hoá, thường xuyên tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện như quỹ người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ nạn nhân chất độc da cam điôxin…; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Coovid-19 vừa qua, anh đã ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 của địa phương trên 10 triệu đồng.

Không chỉ là hộ chăn nuôi, sản xuất kinh doanh giỏi, chịu thương, chịu khó và dám nghĩ dám làm, anh Nghiên còn tích cực tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Các phong trào và hoạt động của Hội luôn được anh tham gia tích cực được các cấp Hội nông dân ghi nhận, đánh giá cao.

Với những thành tích đã đạt được, những năm qua anh Nghiên đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp như UBND tỉnh, UBND huyện, Hội nông dân huyện… vì có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất; đồng thời anh trở thành đã trở thành tấm gương sáng cho mọi người cùng học tập làm theo thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình./.

Lưu Hà – huyện Yên Dũng