Tân Thủ tướng – người luôn trăn trở vì nông dân

Lượt xem: 93

Ông Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với TƯ Hội Nông dân Việt Nam về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân (2001 – 2011).

Nhớ thuở “học chạy” dưới mưa bom

Nhấp chén trà nóng, ông Võ Ngọc Hoàng, một người bạn học với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hương Quế Tây (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) kể: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sinh ra và lớn lên trên vùng đất là cái nôi của phong trào cách mạng và là chiến trường vô cùng ác liệt, đó là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Trong giai đoạn từ năm 1960-1964, ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng ở thôn 9 (nay là thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phú), cùng học trường làng.

tan thu tuong - nguoi luon tran tro vi nong dan hinh anh 2

Ông Võ Ngọc Hoàng (phải ảnh) cho P.V xem tấm ảnh chụp kỷ niệm giữa ông và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2011.

“Thời gian ấy, do chiến tranh bom đạn nên tôi và Thủ tướng thường xuyên phải thay đổi trường học, gọi là “học chạy”. Nhiều lúc, đi học phải nhịn đói, cùng nhau chia sẻ củ sắn, lát khoai. Cho dù cực khổ, khó khăn nhưng thời đó ông Phúc là một trong những người học rất siêng và giỏi, được bạn bè trong lớp khá nể”, ông Hoàng chia sẻ.

Rồi ông tiếp: Tôi và ông Phúc vừa đi học và tham gia hoạt đội du kích địa phương, sinh hoạt đội thiếu niên tiền phong rất năng nổ, nhiệt tình. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất, không may ngôi nhà tranh của chị em ông Phúc ở bị giặc đốt. Cũng thời gian này mẹ của ông cũng hy sinh vì bà hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ…

“Thương tình, bà con lối xóm đã cùng nhau dựng lại ngôi nhà mới giúp gia đình ông Phúc. Gọi là nhà cho sang chứ ngày ấy nó chỉ là chỗ trú thân qua ngày bằng tranh tre nứa lá thôi”, ông Hoàng nói.

“Những năm 1966, 1967, ông Phúc được đưa lên chiến khu trên núi để hoạt động cách mạng rồi sau đó được tập kết ra Bắc. Tôi ở lại quê hương và tham gia hoạt động du kích địa phương, rồi học đến lớp 12 tham gia hoạt động của chính quyền địa phương”, ông kể tiếp.

tan thu tuong - nguoi luon tran tro vi nong dan hinh anh 3

Tân Thủ tướng – người luôn trăn trở vì nông dân

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, ông Nguyễn Xuân Phúc về lại quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) để nhận công việc mới. Lúc gặp lại bạn bè và bà con lối xóm, ông Phúc rất xúc động. Ông vừa hỏi thăm mọi người, vừa động viên bà con cố gắng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập cho gia đình.

Quyết liệt vì “nông dân, nông thôn”

Dân Việt cũng đã tìm gặp, trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Mai – nguyên Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam. Trước kia, khi ông Nguyễn Hữu Mai còn là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam, thì ông Nguyễn Xuân Phúc làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, kiêm Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam thời gian 1997-2004).

Ông Mai nhớ, thời gian từ 1997-2004, tỉnh Quảng Nam còn rất khó khăn. Lúc bấy giờ nông nghiệp còn manh mún chưa phát triển và được đầu tư máy móc hiện đại như bây giờ. Nhưng ông Phúc (thời điểm đó ông làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) đã vạch ra nhiều đường lối, chính sách để làm “cần câu” hỗ trợ nông dân và thực hiện Nghị quyết 19 của tỉnh.

Theo quan điểm ông Phúc, muốn phát triển được nông thôn theo hướng đô thị và muốn giúp nông dân, trước tiên phải đầu tư xây dựng đường xá thật kiên cố. Nhờ đó nông dân mới bớt khổ, vận chuyển lưu thông hàng hoá cũng thuận tiện hơn. Nông dân cũng mạnh dạn đầu tư máy móc hơn.

Thế là ông quyết định chủ trương đầu tư bê tông hoá giao thông nông thôn theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm. Quảng Nam thời đó ban hành quyết định hỗ trợ theo hướng “mỗi mét đường bê tông nông thôn, tỉnh hỗ trợ 9 bao xi măng, còn lại nhân dân đóng góp thêm”.

Nhờ vào sự quyết đoán đó mà đường bê tông liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh được kiên cố hoá chỉ trong thời gian 3 năm sau khi ông Phúc lên làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

Một trong những điều ý nghĩa nữa mà ông Phúc làm được giúp nông dân Quảng Nam chính là xây dựng nên mô hình Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Thấy nông dân trong tỉnh còn quá khó khăn về vốn, chưa dám mạnh dạn đầu tư máy móc, phát triển sản xuất, xây dựng trang, gia trại, ông trăn trở lắm với suy nghĩ cần phải thành lập một Quỹ để hỗ trợ nông dân vay vốn.

Rồi mô hình Quỹ HTND ra đời. Dù bấy giờ nguồn kinh phí tỉnh còn hạn hẹp, nhưng hàng năm ông Phúc vẫn yêu cầu chi cho Quỹ HTND hàng tỷ đồng để giúp nông dân. Từ đó, nông dân trên địa bàn mới mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế vườn, đầu tư máy móc sản xuất, xây dựng gia, trang trại…

“Từ lúc làm Chủ tịch Liên minh HTX, rồi Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lúc nào ông Phúc cũng hướng đến ngành nông nghiệp, giúp đỡ nông dân và chăm lo đời sống người dân là trọng tâm. Mục đích của ông cũng vì muốn nông dân, người dân trong tỉnh không tái nghèo mà phải vươn lên. Nhờ vào sự dám quyết, dám làm của ông Phúc mà đời sống nông dân Quảng Nam khấm khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể” – nguyên Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hữu Mai chốt lại câu chuyện.

Theo Dân Việt