Trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm của tỉnh

Lượt xem: 110
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Đức Kiên trao văn bằng bảo hộ trong nước cho các sản phẩm: Rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên, chè Yên Thế và bưởi Hiệp Hòa.

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Đức Kiên trao văn bằng bảo hộ trong nước cho các sản phẩm: Rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên, chè Yên Thế và bưởi Hiệp Hòa.

Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cùng lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ KH-CN, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, TP và một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh nói chung, thương hiệu sản phẩm mỳ Kế, mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế nói riêng. Nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng chuỗi giá trị từng sản phẩm là yếu tố quyết định thương hiệu sản phẩm có trụ vững trên thị trường hay không. Muốn vậy, từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn đến cách thức chăm sóc, sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và đưa ra thị trường tiêu thụ đều phải có sự liên kết chặt chẽ.

Trong đó, đòi hỏi nhanh nhạy ứng dụng những tiến bộ KH-KT, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội sản xuất mỳ Chũ (Lục Ngạn) nói: “Hầu hết các công đoạn sản xuất mỳ Chũ được sử dụng bằng máy, từ khâu xay bột đến tráng bánh, đóng gói.

Tuy nhiên, khâu phơi bánh vẫn làm bằng thủ công ngoài trời, phụ thuộc thời tiết. Vì thế, thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm đưa công nghệ vào công đoạn này, tạo ra sản phẩm mỳ Chũ chất lượng hơn”.

Việc truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ nhận biết sản phẩm cũng được các đại biểu đề cập. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước đòi hỏi sản phẩm cung cấp đầy đủ thông tin quá trình sản xuất. Vì thế, việc minh bạch hóa xuất xứ sản phẩm là rất quan trọng. Qua đây tránh được tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến danh tiếng của các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ. “Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học trong việc tạo ra giống gà đặc trưng, khác biệt, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu gà đồi Yên Thế”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu, tới đây các cấp, ngành, đơn vị, người sản xuất thực hiện những biện pháp giữ vững, phát huy giá trị thương hiệu mới là quan trọng. Dùng KH-CN để thúc đẩy giá trị mỗi sản phẩm. Đồng chí đề nghị Sở KH-CN chủ động tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, từ đó đưa ra những nhiệm vụ KH-CN để tập trung nghiên cứu hỗ trợ cho sản phẩm phát triển. Nếu địa phương không đủ nguồn lực thì báo cáo Bộ KH-CN đưa vào chương trình hỗ trợ. Khi đã lựa chọn được sản phẩm chủ lực, ngành chức năng cần đi sâu vào từng khía cạnh giải quyết vấn đề thông qua KH-CN, như giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản…

Trước đó, Hội nghị diễn ra lễ công bố trao văn bằng bảo hộ trong nước cho 4 sản phẩm: Rau sạch Yên Dũng, vú sữa Tân Yên, chè Yên Thế, bưởi Hiệp Hòa; công bố trao văn bằng bảo hộ nước ngoài cho 4 sản phẩm: Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế và gà đồi Yên Thế.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 1.349 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, trong đó 683 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng. Đặc biệt, hơn 45 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được bảo hộ dưới các hình thức như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Nguồn baobacgiang.com.vn