Quảng bá và tạo sức hút đối với văn hóa Bắc Giang nhân Ngày Thơ

Lượt xem: 93
Lế hội Xương Giang (TP Bắc Giang)- một trong những lễ hội đặc sắc của tỉnh Bắc Giang được tổ chức hằng năm tại Khu di tích Chiến thắng Xương Giang- nơi tổ chức Ngày Thơ lần thứ 17.

Lế hội Xương Giang (TP Bắc Giang)- một trong những lễ hội đặc sắc của tỉnh Bắc Giang được tổ chức hằng năm tại Khu di tích Chiến thắng Xương Giang- nơi tổ chức Ngày Thơ lần thứ 17.

Thưa ông, vì sao năm nay Hội Nhà văn Việt Nam lại chọn Bắc Giang làm nơi tổ chức Ngày Thơ?

Ý tưởng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Bắc Giang đã có từ lâu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã từng đề xuất với Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên vẫn cần chờ một số điều kiện thích hợp để bảo đảm được ý nghĩa của sự kiện.

Năm nay, nhân sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch Tây Yên Tử mang chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”, UBND tỉnh và Hội Nhà văn Việt Nam đã thống nhất tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Bắc Giang. Đây là một trong ba điểm diễn ra liên tiếp (từ 13 đến rằm tháng Giêng âm lịch) các hoạt động hưởng ứng Ngày Thơ bao gồm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quảng Ninh (thuộc không gian Đông Yên Tử) và Bắc Giang (không gian Tây Yên Tử) sau đó trở lại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các nơi được chọn để tổ chức sự kiện đều là những địa danh lịch sử, văn hóa gắn liền với các danh nhân khoa bảng, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong lịch sử. Bắc Giang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Ban tổ chức lên nhiều ý tưởng, khảo sát một số địa điểm và quyết định chọn Đền Xương Giang vì đây là một điểm mới được xây dựng, đẹp, khang trang, bề thế, gắn với chiến thắng Xương Giang lịch sử.

Đền Xương Giang còn nằm trên đường Giáp Hải, một trạng nguyên và là một tài thơ của Bắc Giang được lịch sử ghi nhận.

Vậy, xin ông cho biết điểm mới của Ngày Thơ năm nay?

Ngày Thơ năm nay tổ chức tại Bắc Giang, gắn với nền văn hóa Bắc Giang. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Bắc Giang như hát quan họ không nhạc đệm, hát ống, múa lân…

Tại đây có sự góp mặt của hơn 200 nhà thơ quốc tế. Cùng đó là các nhà thơ, tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong nước, các câu lạc bộ thơ trong tỉnh, đông đảo giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; các nhà nghiên cứu, phê bình, các văn nghệ sĩ. Các nhà thơ nước ngoài đều là những người đã từng đến Việt Nam, yêu đất nước và thơ ca Việt Nam, từng có thơ về Việt Nam.

Tại Ngày Thơ năm nay, phần trình diễn tác phẩm thơ sẽ nhiều hơn, trong đó chọn lọc và trình diễn một số tác phẩm của các nhà thơ Bắc Giang; ưu tiên các nhà thơ quốc tế. Ngoài nghe, xem trình diễn thơ còn có hoạt động giao lưu, trao đổi, hội thảo về thơ nhằm xây dựng mối quan hệ, tăng cường sự hiểu biết về các nền thi ca, từ đó hỗ trợ nhau để phát triển.

Trong không gian văn hóa tại đây còn có các gian trưng bày sách, báo, các sáng tác của văn nghệ sĩ trong tỉnh, trong nước; có người giới thiệu bằng tiếng Anh về thơ và các ấn phẩm.

Nhạc sĩ Tuấn Khương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang.

Nhạc sĩ Tuấn Khương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang.

Thơ ca Bắc Giang trong quá khứ và hiện tại có đóng góp như thế nào vào nền thơ ca Việt Nam, thưa ông? Với thi ca, từ xa xưa, Bắc Giang đã đóng góp nhiều tên tuổi được người đương thời và hậu thế ghi nhận. Sử sách ghi lại, thời vua Lê Thánh Tông, cả nước có 28 “ngôi sao” về thơ thì Bắc Giang có hai, đó là Thân Nhân Trung và Ngô Văn Cảnh; trạng nguyên Giáp Hải cũng là một tài thơ. Thế kỷ XX có những tên tuổi như Nguyễn Khắc Nhu, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Hoàng Cầm, Tương Phố…

Gần đây hơn có các nhà thơ được ghi nhận như: Duy Phi, Anh Vũ, Đỗ Vinh, Tân Quảng, Trịnh Kim Hiền, Tô Hoàn, Chu Ngọc Phan… Nhà thơ trẻ có Nông Thị Hưng.

Không gian Đền Xương Giang- nơi diễn ra Ngày Thơ lần thứ 17.

Không gian Đền Xương Giang- nơi diễn ra Ngày Thơ lần thứ 17.

Theo ông, cần phải làm gì để thúc đẩy sáng tác thơ của Bắc Giang phát triển mạnh mẽ hơn nữa? Để nâng cao chất lượng thơ, trước hết cần có đội ngũ sáng tác giàu đam mê và tài năng. Muốn vậy cần tìm tòi, phát hiện những nhân tố mới, trẻ để bồi dưỡng, nhất là tại các trường học. Cùng đó, cần đưa vào nhà trường các cuộc thi thơ, tọa đàm, hội thảo để phát hiện tài năng.

Thực tế hiện nay có nhiều tài năng thơ trẻ song phần lớn trong số họ không muốn theo nghiệp sáng tác thơ. Do bị cuốn theo xu hướng cuộc sống hiện tại, thường các em lựa chọn các trường có triển vọng nghề nghiệp, tương lai dễ kiếm công việc và thu nhập tốt. Đây là tình trạng chung trên cả nước chứ không riêng Bắc Giang.

Thêm vào đó, sáng tác thơ là lĩnh vực chưa có trường lớp đào tạo bài bản như âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, hội họa. Tôi cho rằng cần tìm kiếm, động viên người sáng tác, tạo điều kiện để các tác giả đi thực tế nhiều để có vốn sáng tác; hỗ trợ quảng bá tác phẩm, xuất bản tác phẩm.

Ngày Thơ là một sự kiện văn hóa đặc biệt đối với Bắc Giang, ông kỳ vọng gì sau sự kiện này? Sự kiện này là dịp giới thiệu Bắc Giang với bạn bè và các tác giả trong nước, quốc tế. Tôi kỳ vọng sự kiện này sẽ giúp thu hút sự quan tâm của giới sáng tác, nhất là sáng tác thơ ca đối với Bắc Giang, từ đó tạo cảm hứng về vùng đất, con người, văn hóa Bắc Giang và khích lệ các tác giả đam mê sáng tác hơn nữa, có nhiều tác phẩm về Bắc Giang đứng vững trong lòng công chúng yêu thơ. Thông qua các tác phẩm thơ ca đó giúp quảng bá văn hóa và quê hương Bắc Giang tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và mến khách.

Tôi cũng tin tưởng rằng Ngày Thơ tại Bắc Giang sẽ tạo được ấn tượng đẹp đối với các văn nghệ sĩ trong nước, khách quốc tế; từ đó tạo sức thu hút mạnh mẽ đối với giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu, trở thành một điểm đến về văn hóa. Xin cảm ơn ông!

Nguồn baobacgiang.com.vn