Nâng sức cạnh tranh của gà đồi Yên Thế

Lượt xem: 100

Đã nhiều năm chăn nuôi gà và xác định đây là hướng đi chính trong phát triển kinh tế gia đình, tư duy chăn nuôi hiện nay của anh Nguyễn Xuân Long, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì nuôi manh mún, thiếu kiểm soát, hiện nay anh Long cùng hơn 50 thành viên của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế tham gia nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Xuân Long, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm.

Mô hình nuôi gà của gia đình anh Nguyễn Xuân Long, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm.

Gia đình anh thường xuyên duy trì từ 2-3 nghìn con gà thương phẩm bằng các giống gà Hồ, Mía, Ri lai và lai chọi. Anh Long cho biết, chăn nuôi theo phương pháp này rất khoa học, có sổ ghi chép chu trình sản xuất, theo dõi sinh trưởng, thời gian chăn nuôi… Chính vì vậy, sản phẩm được thị trường đón nhận.

Theo anh Hứa Việt Đoàn, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, nhằm khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của địa phương, huyện đã có chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các xã, thị trấn chủ động phối hợp với một số công ty tổ chức tập huấn, tư vấn và hướng dẫn người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên cơ sở đó hình thành các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Toàn huyện duy trì được tổng đàn ổn định quy mô khoảng 4 triệu con. Cơ cấu giống theo hướng đa dạng sản phẩm, điều chỉnh tổng đàn từng thời điểm. Hằng năm, các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện cung cấp ra thị trường từ 12-14 triệu con gà với giá trị sản xuất khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 60% giá trị ngành chăn nuôi của địa phương.

Mặt khác, huyện đã chỉ đạo, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến… Trong đó, khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, HTX; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn… với sản phẩm chủ yếu là gà Ri lai, Mía lai. Chính vì thế, toàn huyện duy trì được tổng đàn ổn định quy mô khoảng 4 triệu con.

Thực tế sản xuất thời gian qua cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ gà đồi Yên Thế vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Các mô hình chăn nuôi chủ yếu vẫn ở quy mô hộ gia đình. Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã có song chưa bền vững. Sản phẩm được chế biến từ gà đồi chưa đa dạng và mới chiếm tỷ lệ thấp.

Phần lớn gà được tiêu thụ ở dạng gà lông; trên địa bàn huyện chưa có các điểm thu gom, trung chuyển, buôn bán tập trung. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên là nguồn lực của các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất trên địa bàn còn khó khăn đã ảnh hưởng đến đầu tư mở rộng sản xuất.

Hạ tầng giao thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng. Các doanh nghiệp, HTX chế biến, tiêu thụ sử dụng công nghệ chế biến còn thô sơ nên sản phẩm sản xuất ra có giá thành cao, việc hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với các thị trường lớn chưa được đầu tư thỏa đáng.

Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Chung cho biết, để tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của huyện và thương hiệu gà đồi Yên Thế, Đảng bộ Yên Thế xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp. Đó là xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của BTV Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trên cơ sở cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, trong đó có sản phẩm gà đồi Yên Thế.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lấy đó làm cơ sở xây dựng các liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư chăn nuôi, chế biến, hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Mở rộng các vùng chăn nuôi gà đồi theo quy trình VietGAP, quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm hình thành vùng sản xuất gà đồi an toàn dịch bệnh; từng bước nâng sức cạnh tranh của sản phẩm. Thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở sản xuất giống, cơ sở chế biến các sản phẩm từ gà; đầu tư xây dựng điểm thu gom, trung chuyển, buôn bán tập trung gà đồi Yên Thế tại thị trấn Phồn Xương.

Nguồn: baobacgiang.com.vn