Tạo thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm OCOP

Lượt xem: 122

Tiêu thụ thuận lợi

Mới đây, trở lại thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương của các thành viên HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền. Những chai rượu mang thương hiệu “Rượu Núi Huyền” được đưa vào hộp giấy mẫu mã đẹp chuẩn bị đưa đến tay người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tới. Bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh 3 sao nên nhiều người biết đến, tiêu thụ thuận lợi. Bình thường, mỗi ngày HTX xuất bán khoảng 200 lít rượu thì dịp này lượng tiêu thụ tăng lên khoảng 300 lít”.

Dứa Lục Nam đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Trong ảnh: Cán bộ xã Bảo Sơn và thôn Đồng Cống kiểm tra diện tích dứa trồng theo quy trình VietGAP.

Dứa Lục Nam đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Trong ảnh: Cán bộ xã Bảo Sơn và thôn Đồng Cống kiểm tra diện tích dứa trồng theo quy trình VietGAP.

HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền được thành lập từ năm 2018 với 21 thành viên, chủ yếu là các hộ ở thôn Xuân Phú. Do rượu được nấu bằng loại gạo ngon, nhất là sử dụng nguồn nước từ dãy núi Huyền Đinh nằm ngay sau thôn nên rượu thơm ngon, có hương vị đặc trưng. Tuy nhiên khi đó, HTX chưa chú trọng xây dựng thương hiệu nên sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trong xã. Từ năm 2019, được sự hướng dẫn, tạo điều kiện của cơ quan chức năng huyện, HTX đã thực hiện các bước xây dựng Rượu Núi Huyền trở thành sản phẩm OCPO cấp tỉnh. Quy trình sản xuất rượu được cải tiến, mẫu mã bao bì sản phẩm thiết kế bắt mắt hơn.

Như sản phẩm Rượu Núi Huyền, sản phẩm Nhãn Lục Sơn mấy năm gần đây đã được nhiều doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh biết đến với thương hiệu sản phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP, bán trong các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Đình Thế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn, có được “tiếng thơm” như vậy, trước hết là do HTX quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Ngoài chú trọng sản xuất theo quy trình VietGAP, HTX đầu tư in ấn bao bì đẹp, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Được biết, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn có 69 thành viên chuyên sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích khoảng 50 ha, sản lượng năm 2021 đạt khoảng 500 tấn, tăng khoảng 40% so với năm trước. Mặc dù năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song do nhãn Lục Sơn vừa được cấp mã vùng trồng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao nên tiêu thụ thuận lợi, giá bán đạt 20 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 5-7 nghìn đồng/kg so với nhãn ở các vùng lân cận.

Khai thác thế mạnh từng vùng

Lục Nam là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên, diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, khoảng 600 km2. Từ đây cũng hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng ở mỗi địa phương. Nhận thức được thế mạnh của mình, từ năm 2018, thực hiện Quyết định số 490 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện Lục Nam đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tổng thể các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, có thế mạnh trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung vào các DN, HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, quy mô lớn. Trên cơ sở đánh giá thực tế, huyện đưa vào kế hoạch xây dựng các sản phẩm OCOP cho từng năm, giai đoạn cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền giới thiệu sản phẩm của HTX.

Bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền giới thiệu sản phẩm của HTX.

Bên cạnh đó, UBND huyện tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng sản phẩm OCOP để từ đó hăng hái tham gia. Ông Nguyễn Hữu Luân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: “Để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, điều quan trọng nhất là mỗi hộ dân hay DN, HTX phải đam mê tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Bởi vì, họ là chủ thể tạo ra những sản phẩm đó, quyết định đến chất lượng, mẫu mã cho từng sản phẩm làm ra”.

Nhằm giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong xây dựng sản phẩm OCOP, ngoài sự hỗ trợ từ cấp tỉnh, huyện Lục Nam còn có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho mỗi sản phẩm sau khi được công nhận OCOP là 10 triệu đồng; đồng thời huyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP mang đi trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại trong, ngoài tỉnh và trên các sàn thương mại điện tử.

Với những biện pháp thiết thực trên, đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP được xếp hạng. Trong đó, 2 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, gồm: Trà hoa vàng và Đông trùng hạ thảo khô; 9 sản phẩm được xếp hạng 3 sao gồm: Rượu núi Huyền, Rượu nếp cái hoa vàng, Dứa Lục Nam, Nhãn Lục Sơn, Dầu lạc Dũng Ngân, Trà hoa vàng túi lọc, Dưa chuột, Na dai Nghĩa Phương và Dưa lưới. Đây là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tạo ra thương hiệu không chỉ cho riêng từng sản phẩm mà còn giúp ngành nông nghiệp của huyện có thêm cơ hội quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Nguồn: baobacgiang.com.vn