NÔNG DÂN BẮC GIANG GẮN SẢN XUẤT VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Lượt xem: 155

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HND của BCH TW Hội Nông dân Việt Nam “Về nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao cho nông dân kỹ thuật và áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi trường; sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách; sử dụng chế phẩm Biowish trong trồng trọt và chăn nuôi,… Theo đó, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn cho cây vải, chè, chăn nuôi theo quy trình VietGAP; ứng dụng các chế phẩm sinh học EM trong trồng trọt, chăn nuôi để thay thế dần các loại thuốc hoá học độc hại; sử dụng phân bón theo quy trình khép kín; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng làm giảm ô nhiễm môi trường,… từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất góp phần tăng diện tích sản xuất vải theo quy trình VietGap lên 12.300 ha, GlobalGap lên 100 ha. Hội Nông dân tỉnh xây dựng 03 mô hình trình diễn sử dụng chế phẩm sinh học (Biowish) trong chăn nuôi gà tại Yên Thế, lợn tại Lục Nam và trồng rau an toàn tại thành phố Bắc Giang. Các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng an toàn sinh học được nhân rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Phát huy vai trò “Trung tâm nòng cốt” trong việc bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, mỗi hộ sản xuất kinh doanh giỏi luôn đóng vai trò đi đầu trong sản xuất an toàn đồng thời chủ động tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đã thực hiện và vận động các hộ khác cùng tham gia. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất một mô hình điểm Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Kết quả, 100% cơ sở hội xây dựng được 275 mô hình điểm, tập trung vào các mô hình như: “Tuyến đường nông dân tự quản sáng – xanh – sạch – đẹp”, “chi hội nông dân thu gom rác thải… Trong đó có nhiều mô hình đạt giải thưởng môi trường của tỉnh như mô hình ‘Vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, vỏ thuốc BVTV, xây hầm khí bioga xử lý chất thải trong chăn nuôi” của chi hội thôn Hốt Hồ, xã Hương Vĩ, Yên Thế,… Sử dụng hiệu quả 08 mô hình điểm do Trung ương Hội đầu tư như: “xây dựng hệ thống hầm biogas liên hoàn, xây mương thoát nước thải”, “Xây dựng hệ thống tường bao bãi rác thải tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, “xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”, “Thu gom, xử lý chất thải trong cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp”,… 100% chi hội nông dân đăng ký sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh 01 km đường giao thông nông thôn toàn tỉnh được 2.429 km với trên 140.000 lượt hội viên nông dân thường xuyên tham gia dọn dẹp vệ sinh. Thông qua các mô hình đã nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết và hành động góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường.

Từ những hoạt động, mô hình trên đã giúp hội viên nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn ở địa phương ngày càng xanh-sạch-đẹp./.

Sơn Hải