Chính quyền, nhân dân cùng chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn mới

Lượt xem: 134

“Nở rộ” công trình mới

Đến thôn Bắc 2, xã Quý Sơn đúng dịp một số đường trục thôn, ngõ xóm vừa được cứng hóa, chúng tôi cảm nhận niềm vui, sự vào cuộc xây dựng NTM của người dân và chính quyền nơi đây.

Người dân thôn Bắc 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) tham gia làm đường GTNT.

Người dân thôn Bắc 2, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) tham gia làm đường GTNT.

Anh Lý Ka Báo, một người dân trong thôn chia sẻ, ngay khi được UBND xã và lãnh đạo thôn tuyên truyền chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, góp sức cứng hóa đường làng, gia đình anh đã thu phá tường rào, nhường hơn 200 m2 đất vườn để mở đường.

Không chỉ hiến đất, tùy theo chiều dài các tuyến ngõ, các hộ còn đóng góp từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mua cát, sỏi, tham gia ngày công làm đường. Với phương châm trên, từ năm 2018 đến nay, thôn Bắc 2 đã bê tông hóa gần 10 km đường, tạo điều kiện giúp người dân lưu thông, phát triển KT-XH.

Cũng với cách làm trên, từ đầu năm đến nay, người dân xã Quý Sơn đã đóng góp công sức, tiền của hoàn thành gần 20 km đường giao thông nông thôn (GTNT), dự kiến trong năm nay, toàn xã phấn đấu đổ bê tông hơn 80 km theo tinh thần Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, cơ bản đáp ứng tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM.

Ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết, theo kế hoạch giao của UBND huyện, trong năm nay, xã sẽ cán đích NTM. Hiện địa phương đang huy động tối đa nguồn lực, khởi công thực hiện các công trình, hoàn thành những tiêu chí còn thiếu ngay từ đầu năm.

Theo đó, ngân sách T.Ư, tỉnh và huyện đã hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng, UBND xã cũng bố trí 3 tỷ đồng đối ứng xây dựng nhà làm việc, nhà văn hóa xã; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, sân vận động trung tâm xã; nâng cấp nhà văn hóa các thôn, cứng hóa kênh mương, xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải tập trung. Đồng thời, xây dựng 4 mô hình sản xuất cam, bưởi, vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho hiệu quả kinh tế cao.

Tương tự, được UBND huyện giao nhiệm vụ về đích NTM vào tháng 10 tới, đến nay xã Mỹ An đã được ngân sách cấp trên phân bổ 7 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các công trình NTM. Ông Nguyễn Đức Khoản, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngoài số vốn trên, UBND xã bố trí khoảng 5 tỷ đồng cứng hóa kênh mương, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, cứng hóa đường trục thôn…

Cuối năm 2018, xã Giáp Sơn vinh dự được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây là xã thứ 4 của huyện về đích sau các xã Thanh Hải, Nghĩa Hồ và Hồng Giang. UBND huyện đề ra mục tiêu năm 2019 sẽ có thêm 4 xã về đích, nâng bình quân tiêu chí/xã đạt 13,2 tiêu chí, tăng 0,65 tiêu chí so với năm trước.

Ngay từ đầu năm, xã xây dựng kế hoạch triển khai đến từng thôn, xóm, nhóm hộ, vận động người dân đóng góp tiền của, công sức cứng hóa hơn 30 km đường làng. Tích cực tham gia hiến đất xây dựng bãi thu gom rác thải tập trung tại các thôn, góp phần bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nhân rộng

Theo UBND huyện Lục Ngạn, ban đầu kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2015-2020 của huyện chỉ đặt ra chỉ tiêu mỗi năm có một xã, cả giai đoạn có 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tuy vậy, nhằm tạo đột phá trong thực hiện chương trình ý nghĩa trên, UBND huyện quyết định sửa đổi kế hoạch, ngay trong năm nay sẽ có 4 xã gồm: Tân Quang, Mỹ An, Quý Sơn và Tân Mộc về đích NTM. Năm 2020 huyện tiếp tục dồn lực giúp các xã Biển Động, Trù Hựu và Phượng Sơn đạt chuẩn NTM.

Tuy vậy, kết quả rà soát cho thấy, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn như: Địa bàn miền núi, chiều dài các tuyến đường GTNT lớn, nhiều xã, thôn còn khó khăn, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn chế. Bên cạnh đó, việc bảo đảm vệ sinh môi trường cũng gặp không ít khó khăn khi huyện vẫn chưa thể xây dựng bãi thu gom, xử lý rác thải tập trung; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh còn thấp…

Để đạt mục tiêu sớm khắc phục khó khăn, đưa các xã về đích NTM, Huyện ủy chỉ đạo Đảng ủy các xã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Tuyên truyền, hướng dẫn, tạo đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và nhân dân; kịp thời triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư, tỉnh đến các xã.

Trong đó, những xã về đích NTM năm nay đã được phân bổ 17,3 tỷ đồng; 11 xã miền núi, khó khăn của huyện cũng được hỗ trợ 18,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người dân trong huyện cũng đăng ký, đóng góp cứng hóa hơn 700 km đường GTNT. UBND tỉnh và huyện đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hai nhà máy cấp nước sạch tại xã Hồng Giang và Phượng Sơn; xây dựng khu xử lý rác thải tập trung rộng hơn 5,3 ha, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại xã Kiên Thành…

Trao đổi kinh nghiệm xây dựng NTM trên địa bàn huyện, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định: “Những năm qua, các mô hình kinh tế vườn đồi phát triển đã đem lại thu nhập, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn. Từ đó, các hộ có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn vào xây dựng NTM.

Đặc biệt, phong trào toàn dân tham gia cứng hóa đường GTNT đã tạo nét đột phá lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn NTM tại các xã. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tạo chuyển biến, rút ngắn thời gian xây dựng NTM trên địa bàn”.

Nguồn baobacgiang.com.vn