Bãi sông Lục Nam liên tiếp sạt lở: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lượt xem: 164

Từ đầu năm đến nay, bãi sông đê hữu Lục Nam bị sạt lở tại 3 vị trí thuộc xã Yên Sơn, thị trấn Đồi Ngô, xã Huyền Sơn với tổng chiều dài cung sạt khoảng 200 m.

Nhà nước phải bỏ kinh phí khắc phục sự cố sạt lở bãi sông, đoạn qua thị trấn Đồi Ngô do khai thác cát, sỏi gây ra.

Nhà nước phải bỏ kinh phí khắc phục sự cố sạt lở bãi sông, đoạn qua thị trấn Đồi Ngô do khai thác cát, sỏi gây ra.

Kiểm tra tình hình cung sạt với chiều dài hơn 60 m thuộc thị trấn Đồi Ngô vào ngày 7/4, Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định nguyên nhân dẫn đến sự cố là do tình trạng khai thác cát, sỏi diễn ra thường xuyên trong khu vực, không có sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Các tàu công suất lớn dùng vòi hút khai thác cát sâu quá mức và hướng vào phía bờ sông. Từ đó tạo nên các hàm ếch, vách đứng gây hiện tượng sập, sạt lở bờ, bãi sông.

Cụ thể, khoảng 10 giờ ngày 7/4/2020, trong khu vực sạt lở có 3 tàu đang khai thác cát gần bờ sông. Trước đó, vào đầu tháng 4, UBND xã Huyền Sơn cũng gửi văn bản báo cáo UBND huyện Lục Nam về tình hình đê bao thôn Đầng bị nứt do khai thác cát, sỏi.

Nguy hiểm là các khu vực sạt lở gần chân đê. Riêng bãi sông tại xã Yên Sơn năm nào cũng xảy ra sạt lở, tạo thành những cung sạt ăn sâu vào bãi, dưới chân rỗng. Tại khu vực này từ năm 2016, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo cấm khai thác nhưng theo bà Nguyễn Thị S, thôn Chản Đồng, xã Yên Sơn thì đầu năm nay vẫn thi thoảng có tàu hút cát chạy xình xịch lúc đêm khuya đến sáng sớm để hút cát trong đoạn sông bị cấm.

Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND huyện Lục Nam tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của Hợp tác xã (HTX) Khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng Cương Sơn (đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi tại đoạn sông có bờ, bãi sạt lở) theo đúng Giấy phép khai thác khoáng sản. Nếu phát hiện vi phạm thì đình chỉ mọi hoạt động khai thác và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi giấy phép đã cấp cho HTX.

Để khắc phục, UBND huyện Lục Nam dành hơn 100 triệu đồng bạt mái tải cung sạt, trồng cỏ vị trí sạt lở; yêu cầu UBND các xã Khám Lạng, Yên Sơn, thị trấn Đồi Ngô cắm biển, mốc cảnh báo khu vực nguy hiểm; theo dõi sát diễn biến sạt lở. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, lâu dài phải kè, thả đá hộ chân và mất nhiều vốn mới thực hiện được.

Khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn đê điều, tăng khả năng chống lũ rất cấp thiết nhưng điều khiến người dân bức xúc là việc khai thác cát, sỏi chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người nhưng Nhà nước lại phải bỏ ra số tiền lớn mới xử lý được. Như vậy, rõ ràng công tác quản lý của chính quyền sở tại, ngành chức năng về khai thác cát, sỏi còn có những “lỗ hổng”.

Khu vực bãi sông đê hữu Lục Nam, đoạn qua xã Yên Sơn liên tiếp bị sạt lở.

Khu vực bãi sông đê hữu Lục Nam, đoạn qua xã Yên Sơn liên tiếp bị sạt lở

Ông Lương Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam lý giải, ngoài nguyên nhân khai thác cát, các sự cố xảy ra còn do dòng chảy xiết, áp sát thúc thẳng vào bờ, bãi sông đã gây ra sạt lở. Riêng năm 2019, toàn huyện xử lý 13 trường hợp, trong đó có một trường hợp khởi tố hình sự do khai thác cát tại thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng.

Cũng theo ông Tuấn, việc chấp hành quy định sau khi được cấp phép của các đơn vị, doanh nghiệp về khai thác chưa nghiêm. Chiều dài sông thuộc địa bàn lớn với hơn 40 km, xen kẹp nhiều đoạn sông giữa được cấp phép và không cấp phép, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn tại khu vực sạt lở, bên cạnh bố trí ngân sách khắc phục giờ đầu, huyện chỉ đạo HTX Khai thác kinh doanh vật liệu Cương Sơn dừng ngay hoạt động khai thác tại vị trí sạt lở; đồng thời giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xem xét vị trí cấp phép, báo cáo UBND tỉnh và có đề xuất cụ thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, xử lý nghiêm vi phạm.

Cùng với giải pháp trên, một số ý kiến đề xuất cần quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý cũng như tham mưu cấp phép khai thác cát, sỏi; không để xảy ra tình trạng “lợi riêng, thiệt chung”. Trên thực tế, một số đoạn sông cho phép khai thác, sau đó phải đặt biển cấm do đe dọa an toàn tuyến đê. Huy động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, báo ngay cho chính quyền, ngành chức năng khi phát hiện vi phạm để xử lý kịp thời.

Nguồn: baobacgiang.com.vn