Trái cây Việt “tăng tốc” vào Mỹ

Lượt xem: 203

Xuất chôm chôm “né vụ”

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), ngày 11.11 vừa qua, 2 container chôm chôm đầu tiên của 2 công ty Rồng Đỏ và Alo Green đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường máy bay.

“Như vậy, sau một số khó khăn về giá bán không cạnh tranh lại chôm chôm Mexico phải tạm ngừng xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ từ tháng 7.2011 đến nay, chúng ta đã có 2 lô hàng thử nghiệm đầu tiên (khoảng 1 tấn/lô) xuất sang Mỹ để thăm dò thị trường” – ông Đạt nói.

Đây là những lô hàng được lấy từ vùng trồng được cấp mã số ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) và sẽ được cung cấp cho một công ty bán sỉ của Mỹ để phân phối vào hệ thống bán lẻ cho khách hàng châu Á. Do giá thành khá cao, khoảng 6,2 – 6,3USD/kg, nên giá bán lẻ chôm chôm tại các siêu thị Mỹ sẽ khoảng 15USD/kg.

“Chúng ta chọn thời điểm này để xuất khẩu là nhằm tránh đụng hàng với chôm chôm Mexico (có giá rẻ hơn gấp 3) hiện đã hết mùa. Tôi hy vọng chôm chôm của ta sẽ thành công tại thị trường Mỹ” – ông Đạt mong mỏi.

Nhãn, vải sẽ “tiếp bước”

Trong tuần qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã cho công bố rộng rãi trên công báo nước họ để lấy ý kiến cộng đồng về Dự thảo cho phép thêm 2 loại trái cây khác của Việt Nam là nhãn và vải được xuất khẩu vào Mỹ.

Theo tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra, vải và nhãn Việt Nam xuất sang Mỹ phải được trồng ở những vườn có đăng ký, được phía Mỹ cấp mã số. Sản phẩm sau thu hoạch phải được xử lý bằng chiếu xạ ở mức tối thiểu là 400 Gy, để có thể loại bỏ được 14 trong tổng số loại sâu, côn trùng có thể có trong vải và 16 trong tổng số 17 loại sâu, côn trùng có thể có trong nhãn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ lấy ý kiến cộng đồng đến ngày 27.12.2011. Nếu dự thảo được thông qua và các nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các quy trình nghiêm ngặt trên, nhãn và vải tươi từ Việt Nam có thể được xuất khẩu vào Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến xuất sang Mỹ 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn/năm.

Theo đánh giá của ông Đạt, nếu mọi việc thuận lợi, nhãn và vải của Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ vào đầu năm 2012 bằng đường máy bay. Tuy nhiên theo ông, trái nhãn có nhiều triển vọng hơn trái vải. Vì trái nhãn hiện được trồng nhiều ở miền Nam, trong khi trái vải hiện chỉ trồng ở miền Bắc mà các nhà máy chiếu xạ hiện chỉ có trong Nam.

Theo danviet