4 tầm nhìn mới trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản

Lượt xem: 272
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Đối thoại cấp cao lần thứ 5 hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản diễn ra chiều 12/12. Ảnh: Tùng Đinh

Chiều 12/12, Đối thoại cấp cao lần thứ 5 hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) Kotaro Nogami.

Tiềm năng lớn

Trong hội nghị này, hai bên đã đánh giá sâu sắc lại các kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua; trên cơ sở đó thông qua nội dung và nhất trí cùng nhau triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác về nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2 (2020 – 2024).

Các nội dung chính bao gồm: Các công trình thuỷ lợi, hạ tầng hỗ trợ chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị nông nghiệp; Hỗ trợ Việt Nam hoạch định chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp; Mở rộng các mô hình thí điểm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Đánh giá về các tiềm năng của đối tác Nhật Bản, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là quốc gia sở hữu những công nghệ chế biến nông sản hiện đại và là trung tâm đào tạo nhân lực rất tốt cho phát triển nông nghiệp.

“Giai đoạn tới sẽ mở ra những triển vọng rất tốt đẹp, làm sâu sắc hơn, nâng mức quan hệ cao hơn ở cả 3 trục. Trục khu vực Chính phủ có những chương trình liên kết hợp tác, bên cạnh đó, trục khu vực doanh nghiệp và trục khu vực người dân cũng được đẩy mạnh thông qua các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực quản trị sản xuất từ hộ trang trại cho đến hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ”, Bộ trưởng NN-PTNT phân tích.

Trước đó, vào tháng 5/2015, nhân dịp chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản Giai đoạn 1 (2015 – 2019) tại Tokyo, Nhật Bản.

Tầm nhìn này tập trung hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam với các nội dung chính gồm: Xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Viêc triển khai Tầm nhìn giai đoạn 2015-2019 đã hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp Việt Nam nâng cấp hạ tầng, thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng cường nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước giải quyết được những bất cập trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần không nhỏ trong quá trình tái cơ cầu ngành nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Đánh giá về giai đoạn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, 2 bên đã thúc đẩy được trao đổi nông sản, với tốc độ xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản tăng từ 10- 12%/năm, cụ thể trong năm 2019 là 3,5 tỷ USD.

Ngoài ra, đã có 11 dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án vốn vay của Nhật Bản trong khuôn khổ Tầm nhìn giữa 2 Bộ, với tổng số vốn khoảng 750 triệu USD.

“Quá trình hợp tác đã hỗ trợ đào tạo nhân lực, cụ thể là 20.000 kỹ thuật viên và nguồn nhân lực cao cấp của Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. Đây là nguồn lực cần thiết cho tái cơ cấu nông nghiệp, không chỉ trước mắt mà còn trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Kết nối doanh nghiệp

Ngay sau phiên Hội đàm cấp cao, hai Bộ trưởng đã tham dự và phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Hợp tác công – tư nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của 100 doanh nghiệp của cả 2 nước.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam luôn luôn đồng hành và kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Việt Nam mong muốn thu hút và hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản, thực phẩm.

Tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tạo ra các đối tác liên doanh, liên kết chặt chẽ và tin cậy với các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Sản phẩm của sự hợp tác giữa 2 bên không chỉ là hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn là các giá trị về tình hữu nghị, sự chia sẻ về công nghệ, sự giao thoa về văn hóa giữa 2 nước”.

Sở hữu 6.000 ha vùng nguyên liệu khoai lang chỉ riêng ở Đăk Lăk, phục vụ chế biến và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết, công ty đang hợp tác với phía Nhật Bản để xuất khẩu khoai lang giống Nhật sang thị trường này.

“Từ năm 2016, chúng tôi bắt đầu hợp tác với phía Nhật Bản để phát triển khoai lang giống Nhật ở Việt Nam, với giống, quy trình và kỹ thuật canh tác do đối tác chuyển giao. Đến nay, Việt Phúc vừa hoàn thành xong quá trình sản xuất thử nghiệm tại khu vực Tây Nguyên, cho kết quả rất tốt với năng suất tối thiểu từ 30- 35 tấn/ha, có nơi lên đến 40 tấn/ha và chất lượng rất đồng đều”, bà Lan Hương chia sẻ.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản, chủ doanh nghiệp này cho rằng, dư địa của lĩnh vực này còn rất lớn, 2 nước có thể trao đổi nhiều loại nông sản lợi thế của nhau. Ngoài ra, Việt Nam rất cần các công nghệ, khoa học kỹ thuật của Nhật Bản về canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch.

“Hiện nay, giá chuyển giao các công nghệ, dây chuyền của Nhật Bản thường đắt so với khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Do đó, qua diễn đàn này, chúng tôi hy vọng Chính phủ 2 nước sẽ tìm ra giải pháp khung chính sách, ưu đãi để những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật này được chuyển giao thuận lợi hơn”, bà Lan Hương bày tỏ thêm.

Trong khi đó, ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Simexco Đăk Lăk, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sang Nhật Bản lớn nhất Việt Nam hiện nay cho biết, trong quá trình làm việc với các đối tác Nhật Bản, ban đầu rất khó khăn để thuyết phục các doanh nghiệp nhập hàng, nhưng nếu cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc thì luôn luôn có những đơn hàng mới với giá tốt.

“Họ luôn yêu cầu chất lượng ngày hôm nay phải tiếp tục cải tiến so với những ngày trước đó”, ông Huy nhấn mạnh và cho biết thêm, có một xu hướng rất mới trong hợp tác xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản là các doanh nghiệp rang xay cà phê Nhật Bản đang tìm cách đổ bộ vào Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta nâng cao giá trị cà phê Việt.

Nguồn: Danviet.vn