Một số nét văn hóa ngày tết của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang

Lượt xem: 161

* Phiên chợ mùng 2 tết

Ở xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang vẫn còn lưu giữ một nét văn hoá khá độc đáo, đó là phiên chợ mỗi năm chỉ họp đúng một lần vào sáng mùng 2 Tết âm lịch. Chợ diễn ra ở trước cửa đình xã Cao Thượng nên Đình xã Cao Thượng còn được gọi là đình Chợ và phiên chợ này được gọi là chợ Đình. Chợ thường họp từ canh 3, canh 4, đến khoảng 7-8 giờ sáng là kết thúc.Được biết, chợ tổ chức vào ngày mùng 2 Tết là để kỷ niệm ngày người anh hùng, thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế – Hoàng Hoa Thám về thăm và chúc Tết nhân dân trong vùng.

Hàng hoá bán ở chợ Đình sáng mùng 2 Tết chủ yếu chỉ có hành, rau cần, cá tươi, bún, bánh gio (bánh đặc sản của vùng quê này) và một số loại thực phẩm tươi sống khác. Mọi người tới chợ thường mua một, hai cân bún, năm bẩy mớ rau cần, con cá về làm bún cá -một món ăn đặc sản của ngày mùng 2 Tết mà hầu như nhà nào cũng có.

Người dân đến chợ trao đổi hàng hoá, gặp gỡ chúc tụng nhau những lời chúc tốt lành với thái độ vui vẻ, cởi mở; thanh niên nam, nữ đến chợ vui mừng gặp bạn, trao đổi tâm tình với những lời ước hẹn. Người bán thì không nói thách, bán để lấy may. Người mua cũng quan niệm mua để lấy may, lấy lộc đầu xuân. Mọi lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ đều tỏ ra lịch thiệp, chân tình. Người đến chợ đình Cao Thượng còn được xem đánh đu, hát ví, hát chèo, hát trống quân…

Nét đẹp văn hoá này vẫn được duy trì cho tới ngày nay, không bỏ một năm nào.

* Hội hát quan họ Thổ Hà (Việt Yên)

Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên là một làng nhỏ nhưng từ xưa đã có tới 04 ngày hội lớn trong năm. Hiện nay, làng đã nhập 4 ngày hội làm một và được tổ chức trong 02 ngày 21 và 22 tháng Giêng âm lịch. Thổ Hà được coi là “cái lôi” quan họ của vùng Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Giang và Bắc Ninh) và lễ hội Thổ Hà còn được gọi là lễ hội “Đến hẹn lại lên“. Gần đến ngày làng mở hội, các liền anh, liền chị quan họ trong làng có cơi trầu sang làng Diềm (Quả Cảm – Yên Phong – Bắc Ninh, là nơi kết nghĩa với làng Thổ Hà) để xin phép bà chúa quan họ và có lời mời liền anh, liền chị quan họ làng Diềm về dự hội và ca hát. Ngoài ra, quan họ ở nhiều nơi khác cũng đến Thổ hà cùng vui chơi, dự hội với dân làng nhân dịp xuân về. Các cuộc hát được diễn ra suốt ngày đêm, ban ngày hát quan họ ở sân đình, trên thuyền. Ban đêm hát quan họ với những tà áo dài mớ ba, mớ bẩy cùng các cánh hát quan họ cổ, quan họ cải biên, thu hút đông đảo người dân ở khắp nơi đến dự hội. Một hội hát quan họ Thổ Hà có thể dài hoặc ngắn, đôi khi kéo dài 2-3 ngày. Một canh hát thường có ba chặng. Chặng một dùng hình thức hát mời, theo kiểu lề lối. Qua những làn điệu, lời ca hát tái hiện cuộc sống đầm ấm, những sinh hoạt đặc sắc của vùng châu thổ Sông Hồng, giàu truyền thống và trữ tình. Chặng thứ hai là chặng vặt, sử dụng các điệu hát thông thường. Chặng thứ ba là chặng giã, giọng hát lưu luyến trữ tình, như níu kéo, hẹn ngày tái ngộ.

Hát quan họ là một trong những hoạt động trọng tâm của lễ hội Thổ Hà. Bên cạnh đó, hội Thổ Hà còn có một môn thể thao đặc trung là bơi chải, chèo thuyền bắt vịt. Đây là một trò chơi, một môn thể thao được nhiều người ưu thích. Với không khí của những ngày đầu xuân, trong sự cổ vũ reo hò của hàng nghìn người học hai bên bờ sông đã làm cho lễ hội Thổ Hà thêm tưng bừng rộn rã.

* Hội Hát dân ca các dân tộc huyện Lục Ngạn

Hội hát dân ca các dân tộc huyện Lục Ngạn chính là sự nối tiếp, kế thừa hội hát du xuân của người Nùng, mà đồng bào trong vùng thường hay gọi là hát soong hao. Trước đây, vào dịp tháng giêng, tháng hai, người Nùng có tục rủ nhau từng đoàn đi hát từ mồng 8 tháng Giêng âm lịch, đến hết ngày 18/2 thì kết thúc ở thị trấn Chũ ( Lục Ngạn). Trong dịp này, đồng bào Nùng từ Lục Bình, Hữu Lũng (Lạng Sơn) cũng kéo về đây. Từng tốp nam hát với tốp nữ. Họ hát trên đường đi, hát ở đồi rừng, hát ở chợ và tối đến thường dừng chân để hát. Đây là dịp để đồng bào Nùng và các dân tộc thiểu số khác đi chơi, đi chợ, đi xem hát và cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm hiểu, chọn bạn trăm năm.

Cứ mỗi dịp xuân về, vào ngày 17, 18 tháng hai âm lịch, đúng vào dịp phiên chợ Chũ, trai gái các dân tộc lại rủ nhau về hội. Các xã cử ra những người hát giỏi, hát hay để trình diễn. Mỗi xã cắm một trại riêng ở sân vận động – nơi diễn ra các hoạt động của ngày hội. Hội hát dân ca dân tộc huyện Lục Ngạn được chia làm hai sân khấu: sân dành cho những người hát hay và sân dành cho những người hát đối đáp, giao duyên.

Từ năm 2000 đến nay, Hội hát dân ca các dân tộc thiểu số huyện Lục ngạn đã đổi là Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn. Trong hội, các trò chơi dân tộc bước đầu được khôi phục như ném còn, kéo co, đập niêu .v.v… thu hút nhiều thanh niên tham dự.

Bảo Anh

(Sưu tầm và tổng hợp)