Nguyên nhân và một số biện pháp khắc phục tình trạng cây bưởi không ra quả

Lượt xem: 280

Nhất là từ sau trận mưa đá tháng 11/2006 đến nay nhiều vườn bưởi trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội (trong tổng số trên 300ha bưởi) và các huyện Hà Tây cũ không cho thu hoạch, nếu không có giải pháp giải quyết tình trạng này thì việc các nhà vườn chặt phá các vườn bưởi trở lên hiện hữu. Đã có nhiều cơ quan nghiên cứu, các nhà vườn đã tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng vẫn chưa có kết luận cụ thể. Mỗi nơi, mỗi nhà vườn đều có kinh nghiệm riêng vì thỉnh thoảng cũng có vườn vẫn cho thu hoạch hàng năm. Viện nghiên cứu rau quả Trung ương, bộ môn cây ăn quả đã triển khai đề tài dùng phấn bưởi chua thụ phấn bổ xung cho bưởi Phúc Trạch năm 2009, và năm 2010 cho bưởi Đoan Hùng bước đầu đã cũng có những kết quả nhất định cho một hướng giải pháp bưởi đậu quả.

Qua nhiều năm theo dõi thực tế tại vùng bưởi Đan Phượng và các vườn bưởi khác trong và ngoài địa phương, theo dõi các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của Viện nghiên cứu rau quả Trung ương áp dụng trên cây bưởi, đồng thời tham khảo ý kiến của một số nhà vườn tại các địa phương, xin rút ra một số nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng cây bưởi không ra quả để bà con nông dân và các nhà vườn tham khảo áp dụng.

Nguyên nhân của hiện tượng nhiều năm bưởi không có quả

1. Nguyên nhân đầu tiên gây nên tình trạng bưởi không ra quả hoặc ra nhiều hoa nhưng không đậu quả là do thời tiết khí hậu. Do nhiều năm trở lại đây, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp, như nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện bất thường khác như bưởi ra hoa đúng vào thời kỳ mưa phùn, đậu quả non vào thời kỳ có xuất hiện mưa muối, mưa axit, làm xáo trộn sinh lý bình thường của cây bưởi

Năm 2006, trận mưa đá bất ngờ vào ngày 20/11 cây bưởi bị tàn phá nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng cây bưởi đến nhiều năm sau. Năm 2008, đầu năm do đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài trên một tháng qua lập xuân nên bưởi các vườn đã không ra hoa, hoặc ra hoa nhưng không đậu quả. Một số vườn có quả thì cuối tháng 10, đợt mưa úng lịch sử, nước ngập cả tháng trời, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây. Năm 2009, 2010 tuy bưởi ra hoa rất sai do nhiều năm không có quả, hy vọng có một mùa bưởi sai quả, nhưng cũng rất lạ là có nhiều vườn không thể đậu quả, hoặc đậu quả non cũng rụng sạch. Có thể thấy, cây bưởi thường ra hoa đậu quả xung quanh tháng 2, thường xuất hiện mưa phùn, sương muối, mưa axit ảnh hưởng đến việc thụ phấn, ra hoa, đậu quả, thậm chí quả to bằng chén uống nước cũng bị rụng.

2. Tình trạng chăm sóc của các nhà vườn cũng là nguyên nhân dẫn đến bưởi không có quả hoặc ít quả.

Từ những năm 2000 – 2005 trở lại đây, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thấy hiệu quả rõ rõ rệt của việc trồng cây bưởi thay cho các cây nông nghiệp truyền thống, cộng với các dự án chuyển đổi của các địa phương, nông dân tập trung vào trồng cây bưởi. Do quy trình kỹ thuật còn mới, chỉ dựa vào kinh nghiệm ít ỏi của mình, không tuân theo các quy trình đã được phổ biến, các nhà vườn đã trồng mật độ quá dày. Đối với bưởi Diễn, thường trồng với mật độ cây cách cây 4m, hàng cách hàng 3m (20-25 cây/sào Bắc bộ). Từ 8-10 năm tuổi trở đi, cây xum xuê rậm rạp, tán cây đan chéo vào nhau, nhiều cành tăm, cành vượt, sâu bọ phát triển. Có dịp tham quan bưởi Đoan Hùng, nhà vườn ở đây trồng mật độ cây cách cây 8m, hàng cách hàng 6m (12 cây/sào Bắc bộ), khi được 8 năm tuổi đã đan tán vào nhau, um tùm, cơ bản là cành vượt. Với mật độ quá dày, các cây cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với nhau quyết liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển bình thường của cây, trong đó có vấn đề ra hoa đậu quả. Các cụ xưa đã có câu: “Cây chạm lá, cá chạm vảy” cây sẽ không phát triển được.

Mặt khác, do nhiều năm không có quả, nhiều nhà vườn không chăm sóc, hầu như không tạo tán ngay từ đầu, cành tăm, cành vô hiệu, cành vượt…cành lá xum xuê, bệnh tật phát triển nhiều như vẽ bùa, nhện đỏ, nhện vàng, đốm mắt cua, vàng lá gân xanh, xì mủ chảy gôm..vv, hoành hành, vườn bưởi tan hoang, cây trong vườn rất yếu, nguy cơ mất mùa cho các năm sau là rất lớn.

3. Đặc tính “tự bất thụ” của bưởi

Hầu hết các loại cây có múi đều tự thụ phấn. Một số loài quýt có đặc tính tự bất thụ là quýt Clementine, quýt Orlando, Quýt Minneola, quýt Sunburst. Do đó, khi thiết kế vườn người ta chú ý nguồn phấn giúp cho các cây này đậu quả. Cây cho phấn thường được bố trí theo tỉ lệ 3:1 hay 4:2.

Vừa qua, Viện nghiên cứu rau quả Trung ương đã có dự án dùng phấn hoa bưởi chua thụ phấn bổ sung cho bưởi Phúc Trạch, bưởi Đoan Hùng đã có kết quả bước đầu. Những vườn bưởi được dùng phương pháp thụ phấn bổ sung bằng phấn hoa bởi chua đã ra nhiều quả, trong khi những vườn xung quanh đều không có quả hoặc ra quả cũng không đáng kể. Trong đợt tham quan vườn bưởi Đoan Hùng, có mặt của Gs Ts Hà Minh Trung (Trung ương hội làm vườn Việt Nam, nguyên Viện phó Viện Bảo vệ thực vật), chúng tôi thấy vườn bưởi cách vườn bưởi thí nghiệm gần 1 km của hộ gia đình anh Đại, không tham gia dự án, mặc dù không áp dụng phương pháp gì nhưng bưởi rất sai quả, thậm chí gấp đôi các vườn tham gia thực nghiệm phương pháp thụ phấn bổ sung thủ công bằng tay. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện thấy, vườn bưởi nhà anh Đại trồng giống bưởi Sửu, nhưng trong vườn có lẫn khoảng gần chục cây bưởi Bằng Luân, một giống khác của bưởi Đoan Hùng.

Tại Đan Phượng, chúng tôi cũng phát hiện nhiều nhà vườn trồng bưởi Diễn trong 4-5 năm trở lại đây không hề mất mùa, bưởi rất sai quả, và trong vườn đều ngẫu nhiên lẫn một vài cây bưởi chua Bô lô hoặc cây bưởi chua, bưởi đường thu hoạch vào tháng 8 âm lịch. Điều này đã hé lộ tính trạng “tự bất thụ” trên cây bưởi, tức là khả năng tự thụ phấn kém hoặc không tự thụ phấn cùng giống mà phải có sự thụ phấn chéo của các giống bưởi khác. Do trồng thâm canh, các vùng bưởi chỉ chuyên trồng một giống, thậm chí trong một vườn, các cây đều được nhân giống từ một vài cây bưởi gốc, hầu hết các cây bưởi khác giống đều chặt bỏ, gây ra sự mất cân bằng, thiếu “cây thụ phấn”.

Các giải pháp khắc phục tình trạng bưởi không quả

Cần áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, trong đó đặc biệt coi trọng khâu chăm sóc, đồng thời áp dụng kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu mới đây trên cây bưởi.

  1. Chăm sóc.

Môt trong những yếu điểm của các nhà vườn trồng bưởi trong nhiều năm qua như đã nêu là mật độ trồng quá dày, nhiều cành tăm, cành vượt, cành vô hiệu không thể có quả. Các nhà vườn nên có kế hoạch cắt tỉa các cành này tạo sự thông thoáng cho cây trên nguyên tắc cây các cây không được giao cành vào nhau. Nếu vườn dày quá có thể loại bỏ những cây không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, các cây còi cọc, mắc bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, giảm sâu bệnh. Đây là biện pháp hết sức quan trọng để tạo cho cây bưởi khoẻ, có môi trường tốt để sinh trưởng phát triển, tích luỹ dinh dưỡng cho kỳ ra hoa đậu quả năm sau. Hiện các nhà vườn tại Đoan Hùng đề xuất mật độ thích hợp nên 8-10 cây/sào đối với bưởi Đoan Hùng, còn với giống bưởi Diễn nên để mật độ 13 -15 cây/sào ở năm thứ 10 trở đi là phù hợp.

Phòng trừ sâu bệnh cho cây cần được đặc biệt chú ý. Cây bưởi đặc sản dễ nhiễm các loại sâu bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, xì mủ chảy gôm, loét…v.v. Nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, chán nản do không có thu hoạch, thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây bưởi trong năm tới. Tích cực áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây bưởi, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải đảm bảo 4 đúng: đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng, vừa đạt hiệu quả cao trong phòng trừ và giảm chi phí đầu tư. Việc bón phân cho cây cũng nên chú ý, nên bón vừa vừa phải, cân đối, chú ý tăng lượng kali, lân.

  1. Áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung cho vườn bưởi

Qua kinh nghiệm của một số nhà vườn và kết quả nghiên cứu khảo nghiệm của Viện nghiên cứu rau quả Trung ương, có thể áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung cho vườn bưởi theo các cách sau.

Một là áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung thủ công đã được Viện rau quả Trung ương phổ biến, dùng phấn hoa bưởi chua hoặc bưởi khác giống, thụ phấn bằng tay cho vườn bưởi.

Hai là, trong vườn bưởi đang trồng, trên một số cây bưởi trong vườn, cắt bỏ 1-2 cành vượt, để nảy mầm phát triển đến bánh tẻ, sau đó tiến hành ghép mắt các giống bưởi khác giống (bưởi ngọt hoặc chua). Sau một năm, cành này đã ra hoa, là nguồn thụ phấn bổ sung cho cây đó và các cây xung quanh.

Ba là, do vườn bưởi hiện nay quá dày, có thể loại bỏ một số cây kém hiệu quả, sau đó ghép cải tạo giống bưởi khác giống điểm vào trong vườn. Các cây ghép cải tạo này sau một năm cũng ra hoa, dùng để làm cây thụ phấn cho các cây bưởi xung quanh.

Hai phương pháp sau có tính khả thi hơn. Phương pháp thụ phấn bằng tay khó thực hiện đối với các vườn bưởi lâu năm, cây cao, nhiều cành.

Ngoài ra, một kinh nghiệm đã được kiểm chứng là trồng xen vào vườn bưởi những cây ổi, có tác dụng hạn chế được bệnh Grining, ngoài hàng rào nên trồng thêm các cây chắn gió.

Các vùng bưởi đặc sản đã có hiệu quả trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương. Tuy nhiên, khi trồng tập trung, quy mô hàng hóa sẽ xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết. Để khắc phục hiện tượng bưởi không ra quả trong nhiều năm nay, hy vọng bà con nông dân và các nhà vườn áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, không nên nôn nóng chặt phá vườn, nhất là các vườn đã trồng lâu năm. Đề nghị các cơ quan nghiên cứu khoa học tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm, cho kết luận cụ thể nguyên nhân và các giải pháp thành quy trình để khắc phục tình trạng các vườn bưởi không ra hoa đậu quả như hiện nay.

Theo website HND VN