Bí quyết trồng rau muống cạn

Lượt xem: 140

Về thời vụ trồng, tại khu vực phía Bắc thường gieo hạt từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch. Còn khu vực phía Nam có thể gieo trồng quanh năm. Rau muống cạn có 2 loại giống chính là rau muống trắng và đỏ. Lượng hạt gieo từ 45 – 50kg/ha (4,5 – 5kg/ 1.000m2).

Chú ý chọn đất xa các cụm và khu công nghiệp, các làng nghề, bệnh viện, nghĩa trang, nguồn nước thải để bảo đảm có rau muống sạch và an toàn. Rau muống có thể trồng được trên nhiều loài đất (trừ đất nhiễm phèn, mặn trên mức trung bình). Nên chọn đất thịt nhẹ hay thịt trung bình, giàu chất hữu cơ, gần nguồn nước tưới. Đất phải được cày, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ trước khi gieo trồng. Rạch hàng lên luống: Mặt luống rộng 1,2m, rãnh luống 0,3m, cao 15cm.

Về bón phân, để trồng rau đạt năng suất và chất lượng, an toàn thì kỹ thuật bón phân mang tính quyết định trong gói kỹ thuật chăm sóc. Tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi, các loại phụ phẩm động thực vật tươi sống, phân bắc tươi (phân nhà cầu) và nước phân tươi để bón hoặc tưới trực tiếp cho rau muống.

Liều lượng bón, nếu là phân chuồng đã ủ hoai thì sử dụng bón lót từ 10 – 15 tấn/ha (1 – 1,5 tấn/1.000m2), cũng có thể dùng phân hữu cơ sinh học, hoặc phân hữu cơ chế biến thay thế phân chuồng với lượng bón từ 500 – 1.000kg/ha (50 – 100kg/1.000 m2).

Đối với phân hóa học, bón lót cùng với phân chuồng hoặc phân hữu cơ loại phân lân nội địa (lân nung chảy hoặc lân super). Nếu đất có độ pH < 7 (đất chua) thì sử dụng lân nung chảy với liều lượng từ 300 – 400kg/ha (30 – 40kg/1.000m2). Nếu không có điều kiện bón phân hữu cơ hoặc trên đất trồng đã giàu hữu cơ thì chỉ cần bón lót trước khi gieo hạt bằng loại phân NPK SV(10-15-5+TE) với lượng 200 – 250 kg/ha (20 – 25kg/1.000m2).

Cần bón theo rãnh, theo hàng hoặc trên bề mặt luống rau (nếu áp dụng phương thức gieo vãi) để nâng cao hiệu lực phân. Sau khi bón lót xong thì nhớ xới và cào để phân được trộn đều với đất.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa Theo Dân Việt