Bạo lực gia đình – vấn nạn xã hội ở nhiều quốc gia

Lượt xem: 104
Sau 10 năm (2008-2018) Việt Nam triển khai, thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ 2007, theo thống kê sơ bộ có 292.268 vụ BLGĐ, trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Tổng hợp số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học cho thấy 30% số hộ gia đình được phỏng vấn cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi BLGĐ theo quy định của Luật. Chỉ tính riêng số liệu các vụ án ly hôn có nguyên nhân do BLGĐ mà Tòa án nhân dân tối cao cung cấp cho thấy: Từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 1,42 triệu vụ án ly hôn, đã giải quyết hơn 1,38 triệu vụ, trong đó có 1 triệu vụ ly hôn do nguyên nhân BLGĐ như: Bị đánh đập, ngược đãi; vợ hoặc chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình (chiếm 76,6% các vụ án ly hôn). Ở Việt Nam, BLGĐ đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm. Có 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong 3 hình thức BLGĐ. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ… Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang phải đấu tranh nhằm phòng, chống BLGĐ. Ở Canada, tỷ lệ bạo lực với phụ nữ ở Canada cũng không khác nhiều so với Việt Nam. 51% phụ nữ Canada đã phải chịu bạo lực ít nhất một lần trong đời. Riêng ở tiểu bang Ontario, có 40% phụ nữ bắt đầu bị bạo lực thể xác khi có thai; 50% phụ nữ là nạn nhân BLGĐ bị triệu chứng sang chấn tâm lý… Tại Australia, cứ 3 phụ nữ, trẻ em gái từ 15 tuổi trở lên thì có một người từng bị bạo lực thể xác. Bạo lực gia đình ở Hàn Quốc khá phổ biến, xuất phát từ đặc tính gia trưởng trong xã hội và cấu trúc của gia đình. Theo thống kê của Văn phòng Công tố tối cao Hàn Quốc, 60% các vụ BLGĐ đã được loại bỏ khỏi cáo buộc truy tố trong năm 2015, chỉ 15,6% các vụ trải qua các thủ tục tố tụng. Hơn 118.000 trường hợp được báo cáo nhưng chỉ có 8.762 vụ bắt giữ… Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ còn nhiều bất cập, quá chung chung và không đầy đủ. Hành vi BLGĐ, nhất là với phụ nữ, trẻ em gái là biểu hiện của sự bất bình đẳng giới. Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, phần lớn nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ, họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, pháp lý. Bạo hành bắt nguồn từ tư tưởng gia trưởng, trong đó vai trò, giá trị, đóng góp của người phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình, xã hội bị đánh giá thấp hơn nam giới. 50% phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ không nói với bất kỳ ai; 87% không tìm kiếm sự trợ giúp của bất cứ dịch vụ nào. Việc giữ thể diện với hàng xóm láng giềng, phán xét của xã hội và cả thiếu niềm tin vào công lý là những điều khiến nạn nhân không lên tiếng khi bị bạo hành. Hành vi BLGĐ xuất hiện khá phổ biến nhưng phần lớn không được coi là BLGĐ hoặc bị che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”… Vì thế, nhận diện hành vi BLGĐ là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, đặc biệt là các hình thức bạo lực: Tình dục, kinh tế và tinh thần. Việc hòa giải các vụ BLGĐ hiện cũng mới tập trung chủ yếu đối với bạo lực về thể chất. Do những người liên quan che giấu nên một số hành vi BLGĐ khi bị phát hiện đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Việc xử phạt vi phạm hành chính dù đã được thực thi nhưng chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hiện nay chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản đến việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây ra BLGĐ… Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, một trong những khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với BLGĐ ở Việt Nam là thiếu số liệu về thực trạng tình hình, nguyên nhân, hậu quả, các yếu tố tác động… để từ đó có bằng chứng thực tế cho việc xây dựng chính sách, thiết kế chương trình phù hợp. So sánh số liệu báo cáo từ các ngành cho thấy, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa các ngành khi tổng hợp thông tin về BLGĐ. Việc chưa có số liệu phản ánh thực trạng BLGĐ là khoảng trống trong công tác quản lý, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu trong thời gian tới. Hiện nay, ngoài Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hội Nông dân Việt Nam có bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống BLGĐ, các cơ quan còn lại không có kinh phí triển khai. Hầu hết các địa phương cũng gặp khó khăn trong bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế đó dẫn đến tình trạng, các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, kế hoạch sau khi được ban hành, việc triển khai chỉ mang tính hình thức. Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển cũng đang tích cực đấu tranh nhằm phòng, chống BLGĐ. Ví dụ như tại Canada, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình phòng ngừa, ứng phó BLGĐ theo 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ đầu tiên là phòng ngừa hướng tới đối tượng chính là nam giới và trẻ em trai. Canada đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông trong hàng thập kỷ như “Ruy băng trắng”, “Hãy đi vào đôi giầy của cô ấy” nhằm huy động sự tham gia của nam giới, trẻ em trai chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Các chiến dịch của Canada đã lan tỏa ra hơn 60 nước… Bước can thiệp cấp 2 nhằm xác định, can thiệp sớm những đối tượng nguy cơ cao. Bước 3 là can thiệp sau bạo lực nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Các dịch vụ này phần lớn do các tổ chức xã hội chuyên nghiệp thực hiện. Hiện Canada có hơn 600 nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực. Để phòng ngừa, ứng phó với BLGĐ, Thụy Điển có một mô hình rất nổi bật là Trung tâm khủng hoảng dành riêng cho nam giới. Trung tâm này cung cấp kiến thức, kỹ năng, các chương trình đào tạo cho nam giới để xử lý cơn nóng giận, khủng hoảng, xây dựng mối quan hệ lành mạnh, nói không bạo lực. Với những nam giới gây bạo lực đã bị kết án, các nhà tù cũng kết nối với nhiều đơn vị nhằm chữa trị, đào tạo bắt buộc, giám sát chặt chẽ để người đó không lặp lại các hành vi bạo lực khi hết hạn tù… Tại Việt Nam, nhiều mô hình phòng, chống BLGĐ tại cộng đồng đã ra đời, góp phần hạn chế nhiều vụ việc BLGĐ nghiêm trọng. Ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế, Cà Mau, Lâm Đồng… đã thí điểm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh” nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị bạo hành. Mô hình giúp cho nạn nhân của BLGĐ, người có nguy cơ bị bạo lực có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; giúp các nạn nhân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh tình trạng bạo lực tiếp tục tái diễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực thi Luật phòng, chống BLGĐ vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, nhiều điều trong Luật phải sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Theo Bộ Tư pháp, cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ để quy định hình thức xử phạt hợp lý, khả thi do một số hành vi quy định hiện hành có mức phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Các đơn vị chức năng cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình. Từ đó, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị – xã hội với những giải pháp đẩy lùi hành vi bạo lực nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong gia đình, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc, không có bạo lực.
Nguồn: hoinongdan.org.vn