Cần có chiến lược đồng bộ cho nền nông nghiệp

Lượt xem: 146

Sau 3 năm hội nhập WTO, cơ hội mở ra đối với Việt Nam là rất lớn, nhưng thách thức cũng đặt ra không nhỏ. Đó là khả năng cạnh tranh khốc liệt của các hàng mặt nông sản trong nước với hàng ngoại nhập có chất lượng cao, được sản xuất trên công nghệ hiện đại, có kiểu dáng, mẫu mã sang trọng.

Người nông dân cũng đã bắt đầu phải làm quen và thực thi triệt để quyền sở hữu trí tuệ, phải đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phải mua giống, vật tư, tư liệu sản xuất nông nghiệp có chất lượng hơn, do đó làm tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, tại các nước giàu, có nền khoa học hiện đại vẫn tiếp tục duy trì trợ cấp và đưa ra các rào cản đối với thị trường nông sản khiến ngành nông nghiệp khó có thể sử dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để đối phó.

Bao nhiêu loại hoa quả được bày bán tại các siêu thị là sản phẩm của Việt Nam?

Chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm nông nghiệp chuẩn mực như nhiều nước khác vì chưa có nền sản xuất lớn, chưa sản xuất tập trung, chưa có các quy trình kỹ thuật chuẩn, chưa kết nối được giữa sản xuất và tiêu thụ… Cho đến nay, khoảng gần 90% sản phẩm nông nghiệp còn được bán ra ở dạng thô và khoảng 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp, tình trạng sản xuất rất manh mún, nhỏ bé, một hộ sản xuất nông nghiệp có đến hơn chục thửa ruộng vẫn còn diễn ra trên hầu khắp cả nước. Bên cạnh đó, người nông dân được tiếp cận với thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn còn thấp.

Theo điều tra của Bộ NN&PTNT thì chỉ có khoảng 25% nông dân tiếp cận được với các thông tin thị trường, trong khi 75% nông dân không nắm được gì. Các nguồn thông tin từ internet đến với người nông dân chiếm tỷ lệ không đáng kể. Hiện nay, cả nước đã có khoảng trên 8000 điểm bưu điện văn hóa xã nhưng chỉ có khoảng gần 4000 điểm có thể kết nối Internet; sách báo tại các điểm bưu điện này còn thiếu thốn.

Nền nông nghiệp nước ta phát triển thấp, chất lượng nhiều loại nông sản, đặc biệt nông sản qua chế biến còn chưa cao, trong khi đó gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải hạ thấp thuế nhập khẩu và loại bỏ một số loại trợ cấp cho sản xuất như yêu cầu của Hiệp định Nông nghiệp, nên sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, sữa, công nghiệp chế biến thực phẩm, mía đường là những ngành có sức cạnh tranh kém, sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn ngay tại thị trường trong nước. Điều đó sẽ gây tác động bất lợi về kinh tế và xã hội cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM), các sản phẩm thịt và phụ phẩm thịt là mặt hàng chịu thuế nhập khẩu cắt giảm nhanh nhất và lịch trình cắt giảm giữa năm 2007 nhanh hơn đáng kể so với cam kết WTO. Cụ thể, thuế đánh vào thịt gia cầm giảm từ 20% xuống 12%, thịt bò từ 20 xuống 12%, thịt lợn từ 30 xuống 20%, ngô từ 5 xuống 3%, trứng các loại gia cầm từ 30 xuống 20%. Các mức thuế trên thấp gần bằng cam kết thuế quan của năm 2012.

Ngay sau khi thuế nhập khẩu các mặt hàng này giảm, lượng nhập khẩu các sản phẩm thịt gia cầm vào VN đã tăng mạnh và gâp áp lực lớn lên ngành chăn nuôi trong nước, nhất là các trang trại, hộ chăn nuôi gia cầm khu vực nông thôn khiến nhiều người nuôi gà phá sản. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đã có sự điều chỉnh lại đối với các mức thuế ở một số mặt hàng: 40% đối với thịt gà, 20% đối với thịt trâu bò, 30% đối với thịt lợn, 5% với ngô và 40% đối với trứng gia cầm.

Có thể nói, sau ba năm gia nhập WTO, nông nghiệp đang chịu thiệt thòi lớn. Trong khi đó, xét về mặt tăng trưởng kinh tế, việc làm, ổn định xã hội thì nông nghiệp có đóng góp vô cùng quan trọng, được chứng minh trong những bối cảnh cụ thể. Nếu không có nông nghiệp phát triển ổn định, không có những nỗ lực của nông dân thì Việt Nam khó có thể giữ được sự ổn định và mức tăng trưởng nhất định trong thời gian qua.

Nếu chúng ta không nhanh chóng đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp thì khi các nhà bán lẻ nước ngoài vươn tầm ảnh hưởng và thống trị, nông sản VN sẽ mất chỗ đứng ngay chính sân nhà mình.

Theo ND