Kỹ thuật ươm và chăm sóc bạch đàn đọt đỏ

Lượt xem: 768

Vườn ươm.

Địa điểm vườn ươm phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

Gần khu vực trồng rừng tập trung

Gần đường giao thông

Gần nguồn đất làm ruột bầu.

Vị trí vườn ươm đặt nơi tương đối bằng phẳng, thoáng gió không bị các mái núi che lấp và không bị ngập úng vào mùa mưa, tránh hướng gió hại.

Chuẩn bị đất gieo. Hạt có thể gieo trên luống hoặc trong khay, đất để gieo cần có thành phần cơ giới nhẹ, đất mùn, đất đập nhỏ, sàng bỏ các hạt to, trên 2mm và các tạp vật.

Cho đất vào những khay gỗ, hoặc tôn, kích thước dài 1m rộng 0,50m, thành cao 0,10m, đáy có đục 5 – 6 lỗ, đường kính 5 cm.

Khử trùng đất trong các khay trước lúc gieo 5 – 7 ngày bằng dung dịch Benlat hoặc boocđô nồng độ 1% liều lượng 1lít/1m 2 .

Trước lúc gieo hạt 1 ngày, tưới cho luống gieo, hoặc khay đủ ẩm.

Xử lý hạt giống và gieo ươm

Căn cứ vào kế hoạch trồng rừng và phẩm chất hạt giống mà xác định số lượng hạt cần gieo.

Gieo hạt trước vụ trồng 2,5 – 3 tháng. Ngâm hạt trong dung dịch thuốc tím (PmnO 4), nồng độ 0,05% ở nhiệt độ 30 – 40 0 C trong 24 giờ (thay nước 2 lần trong thời gian xử lý, sau đó rửa chua bằng nước sạch, tải ra hong phơi thoáng gió trong 2 giờ, quá trình hong phải đảo hạt cho đều.

Mỗi kg hạt gieo trên 60 – 100 m 2 (hạt nhập ngoại gieo thưa hơn).

Cách gieo: Cần chia hạt ra gieo làm nhiều lần trong mỗi vụ gieo hạt. Mỗi lần gieo chia hạt ra làm 4 phần, trộn đều với cát hoặc đất bột, tỷ lệ 1 hạt 4 đất (theo khối lượng) vãi đều hạt trên mặt luống hoặc trên khay, gieo lặp lại 4 lần cho hạt đều trên mặt luống.

Sau khi gieo xong, dùng đất mịn tơi rắc đều phủ kín hạt. Sau đó ủ một lớp rạ mỏng kín mặt luống. Dùng ôdoa có lỗ nhỏ, hoặc bình phun thuốc trừ sâu (đã rửa sạch thuốc) tưới nhẹ và tưới đều, tránh trôi hạt. Khi cây mọc đều, bỏ vật che tủ, cắm ràng ràng, có độ che phủ 70 – 80% cho tới lúc cây đủ tiêu chuẩn.

Chăm sóc cây mầm.

Các khay đã gieo hạt được xếp nhau thành luống tại vườn ươm. Vườn ươm phải có mái che 50% ánh sáng và chống mưa rào. Nếu số lượng khay ít có thể di chuyển vào những nơi thuận tiện để chăm sóc.

Hàng ngày tưới nước đủ ẩm, từ 7 – 10 ngày phun thuốv phòng trừ nấm bệnh, sây hại một lần bằng dung dịch thuốc benlat, hoặc boocđô nồng độ 0,5%, liều lượng 1 lít/1 m 2 . Sau khi tưới thuốc phải tưới nước lã để rửa thuốc trên lá cuả cây con.

Gieo được 3 – 4 hạt nảy mầm, khi cây có 2 – 6 lá cao 2 – 6 cm, tỉa những cây tốt đem cấy dần vào bầu, những cây còn lại tiếp tục chăm sóc, cấy vào những đợt sau.

Tạo bầu.

Vỏ bầu, làm bằng chất dẽo (PE) với kích cỡ như sau:

Chiều cao: 11cm

Đường kính 4,5 – 5cm.

Thành phần ruột bầu: (hỗn hợp ruột bầu) cần tận dụng nguyên liệu tại chỗ như: lấy đất tại vườn ươm, đất dưới lớp thực bì ràng ràng, dưới lớp cây bụi. Đất đập nhỏ, sàng nhặt hết cỏ, sỏi lẫn. . . , đem trộn với phân chuồng hoai, phân supe lân theo tỷ lệ sau:

Đất: 92 – 95%

Phân chuồng hoai 4 – 6%.

Supe lân: 1 – 2%.

(tỷ lệ tính theo trọng lượng hỗn hợp ruột bầu).

Đóng bầu và xếp bầu.

Tại luống đặt bầu:

Dãy sạch cỏ dại, san phẳng nền vườn, lên luống rộng 1m, rãnh luống 0,60m, chiều dài từ 5 – 10m.

Trước khi đóng bầu từ 7 – 10 ngày phun 1 trong các loại dung dịch: benlat, boocđô, vofatoc, 666 nồng độ 1%, liều lượng 1lít/2 m 2 trên toàn bộ diện tích để phòng trừ sâu bệnh.

Đóng bầu:

Trộn đều hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ quy định ở điều 10 (mỗi mẻ trộn khoảng 100kg), nếu đất quá khô cần tưới nước đủ ẩm để dễ trộn đều.

Cho đất vào vỏ bầu, phần đáy khoảng 1 – 2 cm phải nén chặt để định hình bầu và giữ đất trong bầu không bị rơi vãi ra ngoài, sau đó tiếp tục cho đất đầy tới miệng bầu.

Xếp bầu:

Bầu được xếp cạnh nhau trên luống đắp đấp quanh luống thành gờ cao 3 – 4 cm (có thể đóng bầu trong nhà sau đó vận chuyển ra xếp tại vườn).

Bầu được đóng trước khi cấy cây từ 20 – 30 ngày vài ba ngày tưới một lần, giữ ẩm cho ruột bầu, trước khi cấy 1 – 2 ngày, nhổ sạch cỏ và phá váng.

Cấy cây

Cấy vào buổi sáng, nếu trời râm mát có thể cấy cả ngày.

Tưới đủ ấm trên luống bầu 1 – 2 ngày trước khi cấy.

Bứng những cây đạt tiêu chuẩn (điều 9), đựng vào khay có chứa nước để cây không bị héo. Lượng cây bứng mỗi lần đủ cấy khoảng 1 giờ, sau đó lại bứng tiếp, tránh làm gẫy ngọn, dập nát thân cây và đứt hết rễ.

Mỗi bầu cấy 1 cây mầm. Dùng que chọc lỗ, đường kính 1cm ở mặt bầu để cấy ở độ sâu sát lá mầm. Dùng đất 2 bên thành bầu ém nhẹ, giữ cho cây không bị nghiêng ngã, tạo điều kiện cho rễ cây tiếp xúc với đất.

Cấy xong cần tưới nhẹ để rửa lá mầm và ruột bầu, tự lấp các chỗ trống khi cấy.

Sau thời gian cấy 7 – 10 ngày tiến hành kiểm tra, cấy dặm vào những bầu có cây bị chết.

Chăm sóc và bảo vệ cây con.

Che bóng cho luống cây bằng giàn che hoặc cắm cây rang rang có độ che phủ 50%.

Khi cây con cứng cáp, phát triển đều (5 – 10 ngày sau khi cấy) dỡ dần giàn che và vật che phủ. Tiếp tục tưới nước đủ ẩm cho cây con, lượng nước được tăng dần theo tuổi cây và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (mưa, ẩm. . .) để quyết định số lượng nước tưới.

Hàng ngày tưới vào buổi sáng và chiều râm mát.

Từ 15 – 25 ngàng phá váng một lần, kết hợp với nhặt cỏ trên các bầu và quanh luống.

Bón thúc.

Nếu có điều kiện thì bón thúc như sau:

Loại phân: N,P,K tổng hợp hoặc Supe lân. Cách bón và liều lượng: Có thể bón tới 5 lần.

Lần thứ 1: 20 ngày tuổi, bón 0,05g/1 bầu.

Lần thứ 2: 30 ngày tuổi, bón 0,10g/1 bầu.

Lần thứ 3: 40 ngày tuổi, bón 0,15g/1 bầu.

Lần thứ 4: 50 ngày tuổi, bón 0,20g/1 bầu.

Lần thứ 5: 60 ngày tuổi, bón 0,30g/1 bầu.

(Tổng cộng là 5 lần bón 0,8g/bầu).

Hoà tan hoàn toàn phân trong nước, rồi tưới cho cây ươm: 15 lít/ 500 bầu cây. Sau khi tưới phân phải tưới nước lã để rửa cho lá cây. Tránh tưới phân vào những ngày mưa, đất bầu quá ẩm.

Mỗi lần tưới phân, cũng là 1 lần tưới nước.

Tháng thứ 3 không tưới phân, chỉ tưới nước.

Ngừng chăm sóc từ 15 – 20 ngày trước khi đem đi trồng.

Phòng chống sâu bệnh.

Thường xuyên kiểm tra, nạo vét rãnh thoát nước, bảo đảm vườn khô ráo, không bị úng nước.

Mỗi tháng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại 1 lần, bằng các loại thuốc như benlat, boocđô, nồng độ 0,5% với liều lượng 0,5 – 1 lít/ m 2 (vận dụng quy trình phòng chống sâu róm thông).

Kiểm tra thấy có hiện tượng sâu bệnh hại phát sinh mạnh, phải tăng cường các biện pháp phòng chống để ngăn ngừa nạn dịch có thể xẩy ra.

Cây con xuất vườn.

Tiêu chuẩn cây 2,5 – 3 tháng tuổi, cao 20 – 35 cm, đường kính có rễ 2mm. Hình dạng cây cân đối, không bị cong queo sâu bệnh.

Bốc xếp cây, luống bầu đã được tưới đủ ẩm, nhắc nhẹ từng bầu, xén hết rễ mọc quá dài ở đáy bầu (nếu có). Lần lượt xếp vào khay, giữ cho cây thẳng đứng, không bị nghiêng đổ, vỡ bầu, sau đó chuyển dần đến hiện trường trồng.

Theo VNG