Sử dụng vacxin cúm gia cầm ‘đúng thuốc đúng bệnh’

Lượt xem: 125
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thú y, việc sử dụng vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cần phải hướng tới sự phù hợp chủng.
Cúm gia cầm đã và đang gây thiệt hại lớn tới ngành chăn nuôi của nước ta kể từ khi bùng phát lần đầu tiên năm 2003. Ảnh: PH.

Cúm gia cầm là bệnh phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Cúm gia cầm cũng đã và đang gây thiệt hại lớn tới ngành chăn nuôi của nước ta kể từ khi bùng phát lần đầu tiên năm 2003 và lây lan mạnh vào năm 2005 sau đó.

Công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn hơn khi dịch bệnh nguy hiểm này liên tục xuất hiện những biến chủng mới khiến hiệu lực bảo hộ của vacxin suy yếu theo thời gian và không hiệu quả như mong muốn.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giáp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Bộ NN-PTNT), hiện nay, tại Việt Nam, cúm gia cầm lưu hành với 2 loại là virus cúm thể độc lực cao và virus cúm thể độc lực thấp.

Từ khi virus cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2003, virus cúm thể độc lực cao liên tục có sự biến đổi.

Đó là sự xuất hiện thêm các chủng virus lưu hành từ năm 2003 đến nay, đầu tiên là H5N1, sau đó là H5N6 từ năm 2014 và gần đây nhất là H5N8 kể từ đầu năm 2021. Cho đến nay, cả 3 chủng vẫn đang hiện diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, virus cúm thể độc lực cao luôn xuất hiện thêm nhánh di truyền của các virus mới. Đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đang lưu hành nhánh 2.3.2.1 và 2.3.4.4. Bên cạnh đó cũng có những nhánh đã xuất hiện nhưng đến nay đã biến mất như nhánh 1 hoặc nhánh 7.

Ông Nguyễn Văn Giáp cho rằng điều đáng lưu ý là sự biến đổi về mặt di truyền của virus cúm A đã dẫn tới sự biến đổi, thay đổi đặc tính kháng nguyên ở một mức độ nào đó.

Theo đó, chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích, trong lĩnh vực thú y, một số loại vacxin đòi hỏi có sự phù hợp chủng giữa vacxin và mầm bệnh, từ đó mới mang lại hiệu quả bảo hộ. Ví dụ điển hình như vacxin phòng bệnh cúm gia cầm, tai xanh, xoắn khuẩn…

Hiện nay, tại Việt Nam, cúm gia cầm lưu hành với 2 loại là virus cúm thể độc lực cao và virus cúm thể độc lực thấp. Ảnh: PH.

Hiện nay, tại Việt Nam, cúm gia cầm lưu hành với 2 loại là virus cúm thể độc lực cao và virus cúm thể độc lực thấp. Ảnh: PH.

“Đối với cúm gia cầm, liên tục có sự xuất hiện, biến mất, biến đổi của nhiều chủng, nhánh di truyền virus cúm thể độc lực cao; kèm với đó là sự thay đổi về đặc tính kháng nguyên. Do đó, đứng dưới góc nhìn chuyên môn, việc sử dụng vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cần phải hướng tới sự phù hợp chủng”, PGS. TS Nguyễn Văn Giáp cho hay.

Sự phù hợp này cần đến từ 2 phía. Thứ nhất, nhà sản xuất phải tạo ra các loại vacxin có kháng nguyên phù hợp với chủng virus lưu hành. Thứ hai, người chăn nuôi cần lựa chọn loại vacxin phù hợp với đặc điểm lưu hành của các chủng virus cúm gia cầm ở mỗi vùng.

“Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có nhiều loại vacxin, chế từ nhiều nhánh di truyền khác nhau có mặt trên thị trường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, PGS. TS Nguyễn Văn Giáp cho biết, các cơ quan chức năng luôn có chương trình giám sát sự lưu hành, xác định chủng và nhánh di truyền cúm gia cầm thể độc lực cao tại các vùng miền. Chính vì vậy, người chăn nuôi có thể dựa vào các văn bản cập nhật hàng năm để xác định. Ngoài ra, bà con chăn nuôi có thể liên hệ với các công ty cung cấp trong việc xét nghiệm, xác định chủng virus phù hợp.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Giáp, Trung Quốc là một nước có ngành chăn nuôi gia cầm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hoa Kỳ). Do đó, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao ở Trung Quốc phức tạp ở Việt Nam rất nhiều.

Ví dụ như ngoài chủng H5, ở Trung Quốc còn có chủng H7. Ngay cả với nhánh di truyền H5, số nhóm di truyền ở Trung Quốc cũng đa dạng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, đứng dưới góc độ những nhánh di truyền lưu hành phổ biến, ví dụ như 2.3.2.1 và đặc biệt là 2.3.4.4, Việt Nam lại có sự tương đồng rất lớn với các chủng đang lưu hành tại Trung Quốc.

“Lý giải cho điều này, theo tôi, đó là do giao thương giữa 2 nước, quan trọng nhất là hoạt động buôn bán động vật, sản phẩm động vật; sự tự do di chuyển giữa các nước. Đứng ở một khía cạnh khác, tôi thấy rằng có vai trò rất lớn của các loài chim di cư trong việc phát tán các chủng virus cúm gia cầm liên lục địa”, chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích.

Nguồn: hoinongdan.org.vn