Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân phát triển sản xuất

Lượt xem: 295

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương với nông dân năm 2022 diễn ra ngày 8/10 đã nhận được nhiều ý kiến của đại diện lãnh đạo các ngành giải đáp, làm rõ thêm những vấn đề trong nội dung các câu hỏi của nông dân tại hội nghị. Báo Bắc Giang trích đăng nội dung một số ý kiến của đại biểu.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Quan tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC

Ông Dương Thanh Tùng phát biểu.
Ông Dương Thanh Tùng phát biểu.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) được xác định là động lực chính cho tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của ngành Nông nghiệp. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lựa chọn các doanh nghiệp có đủ tiềm lực về tài chính và khoa học công nghệ để thu hút đầu tư vào các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp CNC tỉnh đã quy hoạch; ngân sách nhà nước hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng CNC. Phát triển nông nghiệp CNC theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp số trong nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng; nông nghiệp kết hợp công nghiệp; nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách mới đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, như: Hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác, quản lý thị trường, công nghệ thông tin, kinh tế nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững. Đẩy mạnh liên kết, đặt hàng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo (trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học) với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương: Kiểm soát chặt thị trường vật tư nông nghiệp, tăng cường xức tiến thương mại

Ông Trần Quang Tấn phát biểu tại hội nghị.
Ông Trần Quang Tấn phát biểu tại hội nghị.

Hiện giá vật tư nông nghiệp tăng cao do tác động của chiến tranh giữa Nga và Ucraina, ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất kinh tế, trong đó có sản xuất nông nghiệp khiến giá cước vận tải, giá nhân công tăng. Trong đó, giá vật tư nông nghiệp tăng từ 15-50% so với năm 2021, dẫn tới chi phí đầu vào cao, làm nhiều chuỗi liên kết bị ảnh hưởng, nông dân giảm thu nhập. Tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương đã tăng cường chỉ đạo, UBND tỉnh cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa. Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm 4 lần liên tiếp; giá cả một số mặt hàng, lĩnh vực khác như cước vận tải, gas đang có xu hướng giảm; các hàng hóa thiết yếu khác cơ bản giá cả ổn định; giá lợn hơi, thịt gà ổn định, có xu hướng tăng, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đang thu hoạch như dứa, na cao hơn cùng kỳ năm trước.

Thực tế cho thấy mỗi năm tỉnh cần 1,7-1,8 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, hàng trăm nghìn tấn vật tư nông nghiệp khác. Tuy vậy, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng mới chỉ đáp ứng 12%. Vì thế, lượng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhập về Bắc Giang rất lớn. Do đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thực hiện việc niêm yết giá các mặt hàng, xử lý nghiêm việc bán hàng không đúng niêm yết; dự báo diễn biến, giá cả thị trường để bình ổn giá.

Đồng thời phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh bình ổn, cân đối cung cầu, có kế hoạch bài bản đối với các mặt hàng, tăng cường xúc tiến thương mại, kiểm tra kiểm soát thị trường, tập trung xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân.

Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ động, làm tốt công tác tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kênh bán hàng cả truyền thống và trực tuyến; tăng cường mời gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang: Mở rộng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn

Ông Nguyễn Thanh Luân phát biểu.
Ông Nguyễn Thanh Luân phát biểu.

Để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020; Thông tư 14/TT-NHNN ngày 07/9/2021 sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng , chi nhánh NHNN ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao NHNN tỉnh, các ngân hàng trên địa bàn đã rất tích cực triển khai, thực hiện để hỗ trợ những khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đến nay, chính sách này vẫn được các ngân hàng thực hiện với mức lãi suất cho vay mới giảm 0,5-2,5%/năm so với mức lãi suất ban đầu (áp dụng với từng đối tượng khách hàng).

Ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ NHNN (40 nghìn tỷ đồng) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại ngân hàng thương mại (NHTM). NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các NHTM thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ lãi suất là 2% cho các đối tượng có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh. Bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo,… NHNN tỉnh đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định 31 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN; tiến hành rà soát, đánh giá khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được áp dụng chính sách để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, dư nợ hỗ trợ lái suất của tỉnh đạt 24,6 tỷ đồng.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn tăng cường mở rộng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay  nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của của khách hàng. Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN Việt Nam về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, quy định về điều kiện vay vốn và nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương pháp, phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ… Do đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc theo quy định của NHNN Việt Nam và văn bản hướng dẫn của tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó các tổ chức tín dụng sẽ xem xét, thẩm định, đánh giá việc cấp tín dụng cho khách hàng.