Một số nội dung căn bản, cốt lõi trong phong cách Hồ Chí Minh

Lượt xem: 152

Về phong cách tư duy, bao gồm: phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình. Hồ Chí Minh luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng thủ đô. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi” (16-11-1959)

Về phong cách làm việc, bao gồm: phong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, “Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới đúng”; phong cách làm việc có kế hoạch. Người dạy, trong việc đặt kế hoạch “không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao”, “chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu, nhưng không thực hiện được”; phong cách làm việc đúng giờ. Hồ Chí Minh quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Người thường không để ai phải đợi mình, chủ động đến trước nếu có thể; phong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Người nói: Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.

Về phong cách lãnh đạo, thể hiện qua việc: tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đi đúng đường lối quần chúng, “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Theo Người, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến“, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật; phải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt. Trong giai đoạn 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào và xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Về phong cách nêu gương, Người đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Về phong cách diễn đạt, được thể hiện qua: cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Bác Hồ thường viết ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chỉ với 9 chữ mà Bác đã khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu Bác đúc kết lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, v.v… ; sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh ví von, so sánh cụ thể. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; hoặc ví “lý luận như cái tên, thực hành như cái đích” để bắn; v.v…; phong cách diễn đạt của Bác luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Bác dạy: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tuởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Về phong cách ứng xử, được thể hiện qua việc: khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; chân tình, nồng hậu, tự nhiên; linh hoạt, chủ động, biến hóa; vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách…. Với phong cách ứng xử đó đã lý giải vì sao, mỗi khi Bác Hồ xuất hiện ở đâu là ở đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt.

Về phong cách sinh hoạt, bao gồm: phong cách sống cần kiệm, liêm chính; phong cách sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông- Tây, nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam; tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

tuyengiao.bacgiang.gov.vn